ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ
HỘI TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 163/2015/NQ-HĐND, ngày 25 tháng 12
năm 2015 của HĐND tỉnh Phú Yên)
I. Quan điểm phát triển
1. Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên phù
hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; đảm bảo thống nhất
với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2020 đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; gắn
với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô
hình tăng trưởng của cả nước.
2. Phát triển nhanh trên cơ sở phát huy hiệu quả nội lực,
thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu
kinh tế trên địa bàn tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế
phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư
phát triển.
3. Kết hợp hiệu quả
phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao sức
cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các
ngành, các vùng có lợi thế, nâng cao hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh.
4. Phát triển kinh
tế Phú Yên theo hướng mở, liên kết, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, trước
hết là liên kết phát triển với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, từng bước
kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia.
5. Phát triển kinh
tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng
nhân lực, giảm nghèo bền vững, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số.
6. Phát triển kinh
tế với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với
biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tác động thiên tai.
7. Kết hợp giữa
phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn
xã hội.
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao tốc độ
tăng trưởng kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tập
trung một số ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công
nghệ cao, giá trị gia tăng cao, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp
sinh thái để tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển. Đẩy mạnh
chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp; tập trung đầu
tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo yêu cầu
phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực;
thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội để Phú Yên phát triển
nhanh và bền vững, tạo nền tảng vững chắc đưa Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh
công nghiệp vào năm 2030, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân được
nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường, vị thế của Phú Yên
trong khu vực được nâng cao.
2. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
chủ yếu
2.1. Giai
đoạn 2016 - 2020
2.1.1. Về kinh tế
a) Tốc độ tăng
tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,5
- 13%/năm; trong đó: giá trị gia tăng ngành nông - lâm - thủy sản bình quân 3,5
- 4%/năm; ngành công nghiệp - xây dựng bình quân 23,5 - 24%/năm; ngành dịch
vụ bình quân 9 - 9,5%/năm và thuế sản phẩm bình quân 6%/năm.
- Cơ cấu kinh
tế theo ngành trong GRDP đến năm 2020: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50 -
50,5%; dịch vụ 33 - 33,5%; ngành nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 14 - 14,5% và thuế sản phẩm
chiếm khoảng 2%.
- GRDP bình
quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 3.400 - 3.500 USD.
b) Tổng kim ngạch
xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đến năm 2020 đạt khoảng 1 tỷ USD.
c) Tổng vốn đầu
tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 120 - 130 nghìn tỷ đồng.
d) Thu ngân
sách đến năm 2020 đạt khoảng 8.000 tỷ đồng.
2.1.2. Về xã hội
a) Tỷ lệ tăng
dân số bình quân giai đoạn 2016 - 2020
khoảng 0,72%/năm.
b) Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao
động đang làm việc trong nền kinh tế đến năm 2020 đạt 70%, trong đó đào tạo có
nghề đạt trên 51%.
c) Giải quyết
việc làm bình quân mỗi năm từ 24 - 25 nghìn lao động. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế năm
2020 đạt 51%.
d) Phấn đấu đến
năm 2020, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có trình độ học vấn trung học phổ
thông và tương đương đạt 80%.
e) Tỷ lệ gia
đình được công nhận gia đình văn hóa đến năm 2020 đạt trên 95%; tỷ lệ thôn,
buôn, khu phố văn hóa đạt 85%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 97%; 30 - 35%
dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
g) Tỷ lệ đô thị
hóa đến năm 2020 đạt khoảng 38%.
h) Tỷ lệ hộ nghèo
giảm bình quân 2 - 2,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm.
e) Tỷ lệ xã được
công nhân đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2020 đạt trên 65%, số xã còn lại bình
quân đạt trên 10/19 tiêu chí.
f) Tỷ lệ người
dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 85%. Đến năm 2020 có 100% xã
đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; tỷ
lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 12%.
2.1.3. Về tài
nguyên - môi trường và phát triển bền vững
a) Tỷ lệ che
phủ rừng năm 2020 đạt 45%.
b) Đến năm
2020, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh cơ bản đạt 100%; tỷ
lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch đạt 90%.
c) Duy trì tỷ
lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt
tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn
cơ bản đạt 100%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị đến năm 2020 đạt 95%.
2.2. Tầm
nhìn đến năm 2030
2.2.1. Tốc độ
tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 -
2030 từ 9 -9,5%/năm; trong đó: giá trị
gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 9 - 9,5%/năm, dịch vụ tăng bình
quân 12
- 12,5%/năm; nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 2,5 - 3%/năm và thuế sản phẩm
tăng bình quân 2%/năm.
- Cơ cấu các
ngành kinh tế trong GRDP đến năm 2030: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng
48,5 - 49%; ngành dịch vụ chiếm 42,5 - 43%; ngành nông - lâm - thủy sản chiếm
khoảng 7,5 - 8% và thuế sản phẩm chiếm khoảng 1 - 2%.
- GRDP bình
quân đầu người đến năm 2030 đạt khảng
10.500 USD.
2.2.2. Tổng
kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đến năm 2030 đạt khoảng 2 - 2,5 tỷ USD.
2.2.3. Tổng vốn
đầu tư toàn xã hội giai đoạn giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 350 - 360 nghìn tỷ
đồng.
2.2.4. Thu
ngân sách đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.
2.2.5. Tỷ lệ
tăng dân số bình quân giai đoạn 2021 -
2030 khoảng 0,71%/năm. Đến năm 2030, dân số tỉnh đạt khoảng 998,7 nghìn người.
2.2.6. Tỷ lệ
lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đến
năm 2030 đạt trên 90%, trong đó đào tạo
nghề đạt 65%. Giảm tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động xuống
còn khoảng 30% vào năm 2030.
2.2.7. Nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, đến năm 2030 đạt trên
55%.
2.2.8. Tỷ lệ
xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2030 cơ bản đạt 100%.
2.2.9. Tỷ lệ
lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh
tế đến năm 2030 đạt trên 75% và tỷ lệ
người dân tham gia bảo hiểm y tế cơ bản
đạt 100%.
2.2.10. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2030 đạt 50%.
1. Các khâu đột phá phát triển
1.1. Huy động
hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống
kết cấu hạ tầng. Tập trung xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào dự án nhà máy lọc
hóa dầu Vũng Rô và tạo điều kiện tốt nhất để Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô
sớm đi vào hoạt động. Phối hợp và tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai sớm
đi vào hoạt động các dự án du lịch lớn như: Dự án Khu du lịch sinh thái biển đảo
cao cấp Sun Rise Phú Yên, dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Newcity Việt
Nam...
1.2. Thu hút mạnh
mẽ nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả đề án
tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục
thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới; đầu tư và phát huy hiệu quả Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao Phú Yên.
1.3. Đẩy mạnh
phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất
lượng giáo dục đào tạo, chú trọng phân luồng học sinh sau THCS; tăng nhanh tỷ lệ
lao động qua đào tạo. Tăng cường ứng dụng
và chuyển giao công nghệ vào hoạt động
sản xuất, quản lý; khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp,
nông nghiệp, dịch vụ và quản lý hành chính. Đẩy mạnh chuyển
dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch
vụ.
1.4. Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ chỉ số
năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công
cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PI).
2. Các trọng điểm phát triển
2.1. Trọng điểm
về không gian phát triển
- Cụm công
nghiệp - dịch vụ phía Đông Nam: Lấy
không gian phát triển là Khu kinh tế Nam Phú Yên. Thu hút các dự án công nghiệp
lớn đi trước một bước, các dự án về du lịch, dịch vụ hàng hải, logistic...
- Cụm đô thị
- dịch vụ trung tâm: Lấy thành phố
Tuy Hòa là hạt nhân với chức năng là trung tâm phát triển tổng hợp dịch vụ cho
toàn bộ không gian phát triển tỉnh Phú Yên.
- Cụm du lịch
- dịch vụ phía Đông Bắc: Phát triển
dịch vụ du lịch tổng hợp với đô thị Sông Cầu và vịnh Xuân Đài là trung tâm phát
triển.
2.2. Xác định
các cụm ngành
Phú Yên hình
thành các cụm ngành chiến lược phát triển của tỉnh, theo đó định hướng từ nay đến
năm 2020 Phú Yên cần hình thành các nền tảng cơ bản cho các cụm ngành sau:
- Cụm ngành lọc hóa dầu
và các sản phẩm từ dầu mỏ (hóa chất - nhựa).
- Cụm ngành Du lịch
và dịch vụ.
- Cụm ngành Nông - Hải
sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
- Cụm ngành Giao
thông Vận tải - Dịch vụ hậu cần, dịch vụ logistic.
IV.
Tầm nhìn đến năm 2030
1. Kinh tế tỉnh phát triển
theo hướng kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, dựa vào các ngành có công nghệ
cao, chất lượng cao; khoa học - công nghệ trở thành một trong những động lực
chính trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9 - 9,5%/năm giai
đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, Phú Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; GRDP
bình quân đầu người đạt khoảng 10.500 USD, bằng 1,2 - 1,3 lần so với mức trung bình cả
nước.
2. Về công
nghiệp: Các ngành công nghiệp chủ lực bao gồm công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp
phụ trợ, công nghiệp năng lượng, năng lượng sạch; công nghiệp cơ khí, điện tử;
công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản... phát triển ở trình độ công nghệ cao,
không tác động xấu đến môi trường. Hệ thống các khu, cụm công nghiệp về cơ bản
được lấp đầy, hình thành các cụm liên kết ngành, sản phẩm (cluster).
3. Về dịch vụ:
Hình thành một mạng lưới dịch vụ đồng bộ, hiện đại, trong đó các dịch vụ du lịch
và logistic có đóng góp lớn vào kinh tế của tỉnh. Hình thành một số khu du lịch
trọng điểm của Tỉnh như khu du lịch quốc gia tại Vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông -
Bãi Từ Nham - gánh Đá Đĩa - đầm Ô Loan; Khu du lịch biển tại vịnh Vũng Rô; Khu
du lịch sinh thái biển đảo Sun Rise mang đẳng cấp khu vực…
4. Về nông lâm
thủy sản và phát triển nông thôn: Hình thành một nền nông nghiệp công nghệ cao,
thân thiện với môi trường, có một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản đứng
vững trên thị trường, có mô hình sản xuất phù hợp. Khu nông nghiệp công nghệ
cao Phú Yên có vai trò quan trọng trong phát triển công nghệ cao trong nông
nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có năng
suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao cho tỉnh Phú Yên và vùng Duyên hải Nam
Trung Bộ.
5. Về kết cấu
hạ tầng và đô thị: Hệ thống kết cấu hạ tầng của Phú Yên đến năm 2030 được xây dựng
đồng bộ, hiện đại. Mạng lưới giao thông bao gồm đường biển, đường bộ, đường
hàng không, đường sắt, trong đó đường sắt lên Tây Nguyên được xây dựng, hệ thống
cảng biển Vũng Rô, Bãi Gốc kết nối với cảng Vân Phong là cửa ngõ ra biển của tỉnh,
khu vực Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia, nam Lào.
Mạng lưới đô
thị được hình thành theo 3 trục đô thị hóa (hành lang Bắc - Nam ở phía Đông và
phía Tây và hành lang Đông - Tây theo quốc lộ 29, QL25), trong đó tập trung vào
hành lang đô thị phía Đông gồm các đô thị: Sông Cầu, Tuy An, thành phố Tuy Hòa,
Đông Hòa. Phát triển đô thị trung tâm bao gồm thành phố Tuy Hòa và mở rộng về phía Tây;
phía Bắc đến An Mỹ để trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh.
6. Đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, mọi người dân đều được tiếp cận với
các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa… một cách toàn diện, bình đẳng.
7. Môi trường
được cải thiện, đa dạng sinh học, nhất là khu vực ven biển được bảo tồn gắn với
phát triển du lịch sinh thái bền vững.
8. An ninh quốc
phòng được giữ vững và tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển.
V. Các giải pháp thực hiện
quy hoạch
1. Giải pháp về vốn đầu tư
1.1. Đối với
nguồn vốn Nhà nước
1.1.1. Ngân sách
Trung ương: Phối hợp chặt chẽ với các bộ,
ngành Trung ương trong công tác quy hoạch ngành, vùng để đảm bảo sự thống nhất.
Phối hợp chuẩn bị thủ tục và triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng
tại địa phương để tạo thuận lợi cho các bộ, ngành triển khai các dự án đầu tư
trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn bám sát quy hoạch, kế hoạch,
thứ tự ưu tiên, nhu cầu cấp bách cũng như đảm bảo tính lâu dài. Phối hợp tốt về
thông tin, kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư với các bộ, ngành Trung ương, chủ động bám sát các nhà tài trợ lớn để tranh thủ
các nguồn vốn ODA, trong đó chú trọng vận động tài trợ các dự án trọng điểm như
xây dựng hạ tầng về giao thông, thủy lợi, ứng
phó biến đổi khí hậu.
1.1.2. Ngân sách địa
phương: Quản lý tốt các nguồn thu hiện
có, rà soát đảm bảo không để sót các nguồn thu theo quy định; bố trí cơ cấu đầu tư hợp lý đảm bảo nhu cầu phát triển.
1.1.3. Vốn tín dụng nhà nước: Quản lý có hiệu quả các nguồn
tín dụng nhà nước để thực hiện các chính sách xã hội của nhà nước trên địa bàn. Tạo điều kiện để quỹ đầu tư phát triển tỉnh huy động các nguồn vốn hợp
pháp, tập trung hỗ trợ tín dụng đầu tư cho các dự án theo chính sách khuyến
khích đầu tư của tỉnh.
1.1.4. Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước: Tạo điều kiện
cho doanh nghiệp đầu tư phát triển những lĩnh vực đang sản xuất kinh
doanh có hiệu quả theo yêu cầu và lộ trình
tái cơ cấu của doanh nghiệp. Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng
sản xuất kinh doanh, chuyển dịch đầu tư sang
các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, phù hợp với điều kiện năng lực của doanh nghiệp nhà nước.
1.2. Đối với vốn đầu tư ngoài Nhà
nước
Đẩy mạnh đầu tư theo hình
thức đối tác công tư trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Tăng
cường xúc tiến thu hút một số doanh
nghiệp có nguồn tài chính mạnh đầu tư tại tỉnh.
Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế hỗ trợ, thu hút vốn đầu tư để xây dựng
nông thôn mới, tạo điều kiện và khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia đầu
tư cơ sở hạ tầng nông thôn.
1.3. Đối với nguồn vốn
đầu tư trực tiếp nước ngoài
Đổi mới công tác xúc
tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn FDI theo hướng làm tốt công tác quy
hoạch ngành nghề, địa bàn và xác định đối tác thu hút đầu tư để chủ động
giới thiệu tiềm năng trên các lĩnh vực và địa bàn cần thu hút đầu
tư trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các bộ, ngành Trung ương để
tham gia xúc tiến đầu tư tại các quốc gia.
2. Giải
pháp về cơ chế, chính sách
Đẩy mạnh công tác xây
dựng và hoàn thiện thể chế về các cơ chế, chính sách của địa phương, đảm bảo
các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, phù hợp với Hiến pháp
năm 2013, các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật. Có chính sách
khuyến khích mạnh để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường
liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn
tỉnh.
3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Triển khai hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với đội ngũ
chuyên gia, nhà quản lý giỏi, những người thật sự có tài năng trên các lĩnh vực
tỉnh đang cần. Tăng cường đào tạo; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
công chức, viên chức trong bộ máy hành chính các cấp.
4. Giải
pháp về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên
khoáng sản
Hình thành và
phát triển Quỹ khoa học công nghệ tỉnh; tăng dần tỷ lệ việc thực hiện cơ
chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ và khoán kinh phí theo kết quả đầu ra;
chú trọng công tác bảo vệ môi trường; chủ động
ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
5. Liên kết,
hợp tác phát triển giữa tỉnh Phú Yên với các địa phương trong nước và khu vực
Tăng cường
liên kết hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực thu hút đầu tư; trong
phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, dịch vụ và du lịch; đào tạo
nguồn nhân lực; phát triển y tế. Đẩy mạnh liên kết phát triển với các tỉnh vùng
Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là phối hợp với Bình Định và Khánh Hòa hình
thành các vùng kinh tế động lực Nam Bình Định - Bắc Phú Yên, Bắc Khánh Hòa -
Nam Phú Yên. Phối hợp với tỉnh Đăk Lăk, Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp QL 29,
hình thành hành lang kinh tế, kết nối với khu vực Đông Bắc Campuchia, Nam Lào.
6. Giải
pháp về hội nhập quốc tế
Tích cực, chủ
động, thích ứng với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tận
dụng thời cơ, điều kiện trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút mạnh
mẽ các nguồn vốn nước ngoài, các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, công nghệ
nguồn; mở rộng và đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu. Làm tốt thông tin
đối ngoại; chủ động nắm bắt thông tin thị trường, kịp thời hỗ trợ các doanh
nghiệp phát triển thương hiệu; thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân
lực của tỉnh để đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của cả nước.
7. Cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước
Tăng cường cải cách hành chính, tạo môi trường
cạnh tranh lành mạnh, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa cơ quan hành chính
nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, từng bước triển khai xây dựng chính
quyền điện tử.