Quyết định 122/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 122/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 29/08/2008
Ngày có hiệu lực 02/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 122/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tại tờ trình số 43/TTr-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2007 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1281 BKH/TĐ&GSĐT ngày 28 tháng 02 năm 2008 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững để thu hẹp dần khoảng cách giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh trong Vùng và cả nước.

b) Xây dựng tỉnh Phú Yên thành một cửa ngõ mới ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên; phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước. Hình thành cụm đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường bộ Đông – Tây.

c) Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế; khai thác những ngành có lợi thế về lao động và tài nguyên; đồng thời, chú trọng mở rộng các ngành kinh tế có hàm lượng về kỹ thuật cao, phù hợp với lợi thế của tỉnh Phú Yên và xu hướng của thị trường.

d) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, nâng dần mức sống cho các tầng lớp dân cư, nhất là các vùng căn cứ kháng chiến, miền núi, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

đ) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; củng cố hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục duy trì phát triển kinh tế tốc độ cao và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và dịch vụ. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu: công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp. Từng bước nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong các ngành sản xuất. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Khai thác có hiệu quả quan hệ kinh tế đối ngoại. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuận lợi, đảm bảo yêu cầu phát triển. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động. Giữ vững chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đến năm 2010 đạt 13,6%/năm; giai đoạn 2011 – 2015 đạt 15,2%/năm và giai đoạn 2016 – 2020 đạt 15,3%/năm.

- Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 750 USD, năm 2015 là 1.600 USD, năm 2020 là 3.000 USD.

- Cơ cấu kinh tế: năm 2010: nông nghiệp 24,5%, công nghiệp 38,5%, dịch vụ 37%; đến năm 2015: nông nghiệp 16%, công nghiệp 44%, dịch vụ 40%; đến năm 2020: nông nghiệp 10%, công nghiệp 47%, dịch vụ 43%.

- Tỷ lệ thu ngân sách so GDP năm 2010: 11,5%; năm 2015: 15% và năm 2020 đạt 20%. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15%/năm. Đến năm 2016 thu ngân sách đáp ứng nhu cầu chi ngân sách của địa phương.

- Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2010 đạt 150 triệu USD, năm 2015 đạt 1.000 triệu USD, năm 2020 đạt 1.500 triệu USD.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2010 giảm còn 1,26%; năm 2015 giảm còn 1,17%; năm 2020 giảm còn 1,0%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2010 giảm còn 20%, năm 2015 còn 15%, năm 2020 giảm còn 10%.

- Đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học phổ thông toàn Tỉnh vào năm 2015. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010: 40%, năm 2015: 53% và năm 2020 đạt 67%.

- Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 còn 9%, năm 2015 còn dưới 3,4%, năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.

- Tỷ lệ che phủ rừng năm 2010: 45%, năm 2015: 47% và năm 2020: 51%.

3. Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực

a) Nông, lâm, ngư nghiệp

- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, chất lượng cao, sản phẩm sạch, phù hợp với hệ sinh thái. Hình thành các vùng chuyên canh tập trung có năng suất cao gắn với công nghệ sau thu hoạch và công nghiệp chế biến, đồng thời gìn giữ và bảo vệ môi trường. Đảm bảo an ninh lương thực, ổn định diện tích canh tác lúa, mía, sắn; mở rộng diện tích cây cao su và một số cây trồng khác. Chăn nuôi theo hướng kinh tế trang trại với giống tốt và kiểm soát dịch bệnh. Hình thành các vùng rau sạch tại vành đai các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch; phát triển nghề trồng hoa, sinh vật cảnh.

[...]