Nghị quyết 161/2024/QH15 tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Quốc hội ban hành

Số hiệu 161/2024/QH15
Ngày ban hành 23/11/2024
Ngày có hiệu lực 07/01/2025
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 161/2024/QH15

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và Nghị quyết số 95/2023/QH15 ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 681/BC-ĐGS ngày 23 tháng 10 năm 2024 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 681/BC-ĐGS ngày 23 tháng 10 năm 2024 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Về quản lý thị trường bất động sản

Trong giai đoạn 2015 - 2023, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thị trường bất động sản được ban hành tương đối đầy đủ, dần hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động này. Thị trường bất động sản đã có những bước phát triển về quy mô thị trường, số lượng, quy mô dự án bất động sản và chủ thể tham gia, đa dạng về loại hình sản phẩm bất động sản, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân theo Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, chưa dự báo hết các vấn đề phát sinh trong thực tế; một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, chưa rõ ràng, chưa có quy định điều chỉnh, hướng dẫn. Các quy hoạch chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, còn có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch; quy định về đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch, về xử lý trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch còn bất cập; quy trình điều chỉnh quy hoạch kéo dài. Thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp, kéo dài, thiếu liên thông, thống nhất, đồng bộ. Tiếp cận đất đai để triển khai mới các dự án bất động sản còn khó khăn. Việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc do sự thay đổi của quy định pháp luật qua các thời kỳ, có nơi có cách hiểu khác nhau. Tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ. Nhiều dự án bất động sản chưa thực hiện được các thủ tục về đầu tư xây dựng do phải chờ cơ quan quản lý nhà nước rà soát pháp lý, định giá đất… Một số địa phương còn vi phạm pháp luật trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… Chi phí tài chính do vay tín dụng trong giá thành bất động sản còn cao, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ. Việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản còn nhiều hạn chế.

Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản cho thấy, giai đoạn 2015 - 2021, thị trường bất động sản phát triển sôi động nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp và cho mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân; một số dự án gặp vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân. Cuối giai đoạn này, các loại hình bất động sản du lịch, lưu trú gặp vướng mắc pháp lý, một phần do chưa có quy định pháp luật điều chỉnh rõ ràng, cụ thể, một phần do quá trình tổ chức thực hiện pháp luật còn nhiều hạn chế; dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản suy giảm; nguồn cung giảm mạnh so với giai đoạn trước; giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng thu nhập trung bình của đa số người dân; số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm; bất động sản du lịch, lưu trú gần như “đóng băng”, tiếp tục gặp vướng mắc về pháp lý.

2. Về phát triển nhà ở xã hội

Giai đoạn 2015 - 2023, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, thể chế hóa quan điểm đổi mới của Đảng về nhà ở, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển.

Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn 2020 - 2023, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhiều gói hỗ trợ nhà ở khác thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công về nhà ở. Nhiều địa phương đã bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp. 

Bên cạnh các kết quả đạt được, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành trong giai đoạn 2015 - 2023 còn thiếu tính ổn định; một số quy định pháp luật về phát triển nhà ở xã hội chưa được hướng dẫn cụ thể; vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật gây vướng mắc cho việc thi hành; việc áp dụng các quy định pháp luật còn phức tạp, còn có cách hiểu khác nhau, cần hướng dẫn nhiều lần, nhất là đối với việc áp dụng các quy định chuyển tiếp. Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp, khó khả thi. Công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, bất cập. Công tác xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách, thẩm định giá nhà ở xã hội còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiếp cận nhà ở xã hội của người dân và chu kỳ đầu tư, thu hồi vốn, trả lãi ngân hàng của chủ đầu tư. Vẫn còn tình trạng người mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp; quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại nhà nước tỷ lệ giải ngân chưa cao, chưa đủ hấp dẫn, chưa phát huy tác dụng trong việc thu hút, khuyến khích chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội tiếp cận gói tín dụng này. Việc thực hiện quy định phải bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại còn một số bất cập, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa phù hợp. Việc bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương không đáp ứng yêu cầu; một số địa phương chưa quan tâm, bố trí nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nhà ở xã hội.

3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.

a) Về nguyên nhân khách quan: Tình hình kinh tế - xã hội biến đổi nhanh, thị trường luôn luôn biến động; hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện trong điều kiện vừa phải bảo đảm tính dự báo, chuyển đổi, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm; quan điểm chính sách có sự thay đổi qua các thời kỳ nên khó tránh khỏi những hạn chế, bất cập; một số tồn tại chưa thể khắc phục ngay. Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tình hình kinh tế thế giới suy giảm tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản, nguồn cung bất động sản nói riêng.  Nguồn lực của Nhà nước cho công tác thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, cho công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất, định giá đất…; nguồn lực thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; nguồn lực hỗ trợ cho người dân mua nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội… còn hạn chế. Thực tiễn triển khai các dự án rất đa dạng, phát sinh nhiều tình huống khác nhau.

b) Về nguyên nhân chủ quan: Chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản thuộc nhiều ngành, lĩnh vực, do nhiều cơ quan, đơn vị chủ trì với những quan điểm khác nhau về công tác quản lý nhà nước, còn thiếu sự thống nhất trong quan điểm tiếp cận, xây dựng, thực hiện chính sách. Hệ thống pháp luật chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của người dân. Công tác tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao. Các địa phương có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện các dự án trên địa bàn chưa sát sao, giải quyết thủ tục chưa kịp thời. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập. Nhận thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật có nơi, có lúc chưa đầy đủ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật ở một số nơi chưa kịp thời, sát sao. Ý thức chấp hành pháp luật tại cơ quan quản lý nhà nước cũng như của doanh nghiệp ở một số nơi chưa cao. Việc xử lý vi phạm pháp luật còn chậm, chưa kiên quyết.

4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; góp phần hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nâng cao điều kiện sống của người dân.

Những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội có phần trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương và các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Chính phủ thống nhất quản lý về thị trường bất động sản và chịu trách nhiệm chính về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, bao gồm các lĩnh vực: đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, xây dựng…

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm về: các hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền; chưa kịp thời đề xuất chính sách, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến những vướng mắc trong công tác thi hành chính sách, pháp luật; tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc; việc chậm tổ chức lập, thẩm định các quy hoạch thuộc trách nhiệm được giao; việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.

[...]