Công văn 7377/BKHĐT-PTHTĐT năm 2024 báo cáo bổ sung giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Số hiệu 7377/BKHĐT-PTHTĐT
Ngày ban hành 13/09/2024
Ngày có hiệu lực 13/09/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Đỗ Thành Trung
Lĩnh vực Bất động sản,Xây dựng - Đô thị

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7377/BKHĐT-PTHTĐT
V/v báo cáo bổ sung giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2024

 

Kính gửi: Ủy ban Kinh tế Quốc hội

(Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023")

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số 664/ĐGS-KT ngày 28/7/2024 về đề nghị báo cáo bổ sung của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" (Đoàn Giám sát). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo bổ sung theo đề nghị của Đoàn Giám sát tại các Phụ lục đính kèm văn bản này.

Về việc xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (tại Báo cáo số 263/BC-KTNN ngày 06/3/2024) và Thanh tra Chính phủ (tại văn bản số 548/TTCP-V.I ngày 28/3/2024): Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nhận được các văn bản nêu trên của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ nên không có cơ sở để trả lời theo đề nghị của Đoàn Giám sát.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Cục: ĐTNN, PTDN, ĐKKD, QLĐT;
- Các Vụ: THKTQD, QLKKT, PC, GSTĐĐT,
QLQH, TCTT, KTĐN, LĐVHXH, KTCNDV;
- Thanh tra Bộ;
- Lưu: VT, PTHTĐT(M. )

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Thành Trung

 

PHỤ LỤC I

BỔ SUNG NỘI DUNG BÁO CÁO VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI TỪ NĂM 2015 ĐẾN HẾT NĂM 2023
(Kèm theo văn bản số 7377/BKHĐT-PTHTĐT ngày 13 tháng 9 năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

1. Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

a) Về nhận xét, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản:

Nhận xét, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại mục I.1.3 Phần thứ ba Báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

b) Về số liệu tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản:

Thời gian qua, bất động sản tiếp tục là một trong các lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đa phần là các dự án có quy mô lớn, tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, vị trí thuận lợi về giao thông, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, xã hội, có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên. Các dự án này góp phần chuẩn hóa thị trường bất động sản tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tăng lựa chọn đối với sản phẩm bất động sản nhà ở, khu du lịch chất lượng, tiện ích cao, thúc đẩy các ngành nghề khác có liên quan phát triển (xây dựng, du lịch...).

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương: (i) Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện dự án bất động sản trên địa bàn, trong đó lưu ý các dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất lớn, dự án đầu tư tại địa bàn chiến lược liên quan đến quốc phòng, an ninh; kịp thời hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc (nếu có) để các dự án đầu tư triển khai theo đúng nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp (mục tiêu, tiến độ...), đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, môi trường...; (ii) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài về quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các giao dịch liên quan đến đất đai; nâng cao nhận thức về nguy cơ ảnh hưởng của người nước ngoài khi mua bán nhà ở, sử dụng đất đai trái pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam, nghiêm cấm hành vi giả mạo nhà đầu tư đứng tên giúp cá nhân, tổ chức nước ngoài mua bán bất động sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất dưới hình thức "núp bóng" đầu tư, thành lập doanh nghiệp; (ii) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh trong quá trình giải quyết thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai... đối với các dự án, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Số liệu liên quan đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được gửi kèm tại Phụ lục III.

2. Về công tác quy hoạch

a) Về vướng mắc, bất cập trong hệ thống quy hoạch; sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất của hệ thống quy hoạch gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án bất động sản:

Mối quan hệ giữa các loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch, trong đó có quy định cụ thể về tính tuân thủ giữa các loại quy hoạch và việc xử lý trong trường hợp có mâu thuẫn.

Theo quy định hiện nay, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành không thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định tại Điều 1 Luật Quy hoạch, không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch nhưng lại được định nghĩa tại Điều 3 và liệt kê danh mục tại Phụ lục II Luật Quy hoạch dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, gây khó khăn, vướng mắc đối với lập và thực hiện quy hoạch. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng Điều 6 Luật Quy hoạch lại không quy định mối quan hệ giữa quy hoạch này với từng cấp, loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia dẫn đến nhiều cách hiểu về vai trò, vị trí của các loại quy hoạch này cũng như tính thống nhất, đồng bộ và liên kết của hệ thống quy hoạch.

Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch, nhưng theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch, nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng. Đồng thời, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch xây dựng khác hiện nay được quy định tại pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng. Trong quá trình soạn thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Như vậy, các quy định nêu trên vẫn còn có một số vướng mắc, bất cập trong hệ thống quy hoạch, thiếu thống nhất của hệ thống quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo pháp luật về đất đai; quy hoạch đô thị theo pháp luật về quy hoạch đô thị; quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng theo pháp luật về xây dựng là các quy hoạch gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện dự án bất động sản.

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu tại Tờ trình số 7171/TTr-BKHĐT ngày 06/9/2024, trong đó có kiến nghị sửa đổi một số quy định liên quan đến Luật Quy hoạch gồm: (1) Hoàn thiện hệ thống quy hoạch quốc gia, bảo đảm tính toàn diện, thứ bậc; xác định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, giảm thiểu các vướng mắc trong việc lập và thực hiện quy hoạch, nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch; (2) Khắc phục các trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; bổ sung các quy hoạch cần thiết, phù hợp với thực tiễn và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về quy hoạch theo quy định của pháp luật.

b) Về tiến độ lập quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh:

Về tiến độ lập quy hoạch tỉnh, đến thời điểm hiện tại đã có 61/63 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, còn 02 quy hoạch chưa được phê duyệt gồm Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi đã tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh đang rà soát hoàn thiện hồ sơ theo Báo cáo thẩm định của hội đồng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, hiện nay đã có 46 tỉnh xin ý kiến về Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, trong đó có 13 Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành gồm Quảng Ninh, Hậu Giang, Cần Thơ, Tây Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Lào Cai, Bình Định, Nam Định, Quảng Bình, Thanh Hóa và 11 Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được phê duyệt gồm Long An, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Phú Yên, An Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đồng Nai, Sơn La

c) Về tiêu chí, nguyên tắc xác định sự phù hợp của dự án đối với các loại quy hoạch, sự phù hợp của quy hoạch cấp dưới với quy hoạch cấp trên:

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ