Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết số 159-TTg về công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa trong thời gian tới do Thủ Tướng chính phủ ban hành

Số hiệu 159-TTg
Ngày ban hành 07/07/1973
Ngày có hiệu lực 22/07/1973
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VI ỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 1973

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HÓA TRONG THỜI GIAN TỚI

I. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HÓA

Theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban chấp hành trung ương Đảng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa là một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý sản xuất. Mấy năm gần đây, một số ngành và địa phương đã có chuyển biến bước đầu về nhận thức và về tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Nhưng sự chuyển biến ấy chưa mạnh, chưa đều. Nhìn chung công tác quy định chất lượng sản phẩm và hàng hóa còn lỏng lẻo và chưa có nề nếp. Cơ quan sản phẩm còn kém và không ổn định. Bao bì thiếu hoặc xấu, sản phẩm không có nhãn hiệu, không có thời gian bảo hành. Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất xưởng không nghiêm ngặt. Khâu vận chuyển, bảo quản, lưu thông phân phối và khâu nhập khẩu có nhiều thiếu sót làm giảm chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Tình hình đó đã gây nên nhiều thiệt hại lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng và cải thiện đời sống nhân dân.

Nguyên nhân chủ quan của tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa kém và không ổn định trên đây là:

- Tư tưởng sản xuất chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng khá phổ biến trong cán bộ và công nhân, mà trước hết là trong cán bộ quản lý. Tinh thần trách nhiệm trước Nhà nước và người tiêu thụ chưa đủ.

- Chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và hàng hóa chưa được đặt thành một yêu cầu bắt buộc trong kế hoạch sản xuất và lưu thông phân phối.

- Thiếu những quy định chính thức làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa; thiếu các chế độ chính sách khuyến khích việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Kế hoạch sản xuất không đồng bộ, tổ chức và quản lý sản xuất công nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Công tác tiêu chuẩn hóa, đo lường và kiểm tra chất lượng là ba khâu chính của công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa chưa được quan tâm đầy đủ.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HÓA TRONG THỜI GIAN TỚI

Nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa là một yêu cầu cấp thiết của sản xuất và đời sống. Quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa phải là nội dung chủ yếu của công tác quản lý sản xuất, quản lý kinh tế.

Trong những năm tới phải tập trung sức phấn đấu ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cho những sản phẩm chủ yếu trong các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là một số vật liệu xây dựng, thực phẩm, may mặc, giấy bút, thuốc men và một số sản phẩm thiết yếu khác, trong đó phải hết sức chú trọng các mặt hàng xuất khẩu.

Đối với sản phẩm là tư liệu sản xuất phải phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu để bảo đảm hiệu quả kinh tế dự tính cho các ngành sử dụng các tư liệu đó; kiên quyết khắc phục việc sản xuất những tư liệu sản xuất chất lượng xấu, ít giá trị sử dụng, chất lượng sản phẩm phải được thể hiện chủ yếu trong giá trị sử dụng.

Đối với sản phẩm là tư liệu tiêu dùng, cần bảo đảm trước hết tính đa năng sử dụng và độ bền chắc, đồng thời cố gắng đáp ứng thị hiếu của người dùng. Riêng đối với lương thực và thực phẩm chế biến, cần bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng tối thiểu và đặc biệt là chỉ tiêu vệ sinh. Đối với thuốc men phải nâng cao chất lượng để bảo đảm cho thuốc có hiệu lực phòng bệnh và chữa bệnh tốt, dễ dùng và lâu hỏng.

Đối với sản phẩm xuất khẩu, phải phấn đấu nhanh chóng đạt các chỉ tiêu chất lượng do khách hàng yêu cầu, kể cả chỉ tiêu mỹ quan, bao bì đóng gói, đồng thời phấn đấu tiến đến sản xuất một số mặt hàng đặc sản Việt nam có chất lượng cao trên thị trường quốc tế.

Phải cố gắng trong một thời gian ngắn đưa đại bộ phận các sản phẩm chủ yếu kể trên đạt mức quy định trong các tiêu chuẩn hay trong các quy định chính thức khác về chất lượng, sau đó có kế hoạch từng bước nâng mức chất lượng lên cao hơn. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phải cùng với các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất và các ngành hữu quan khác, căn cứ vào phương hướng, phạm vi và mức độ chất lượng trên đây, quy định danh mục các sản phẩm kèm theo chất lượng cụ thể phải đạt để làm mục tiêu phấn đấu cho các ngành, các cấp trong ba năm tới.

Để bảo đảm thực hiện phương hướng trên, cần làm những công việc sau đây:

1. Đưa chất lượng sản phẩm và hàng hóa thành một chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch sản xuất và lưu thông phân phối của Nhà nước.

Khi làm kế hoạch sản xuất, phải dựa trên cơ sở bảo đảm chất lượng mà quyết định số lượng; những sản phẩm chính bắt buộc phải có chỉ tiêu chất lượng cụ thể, kiên quyết không cho sản xuất những sản phẩm xấu.

Phải tiến tới thực hiện tất cả các sản phẩm chính trong kế hoạch đều có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp Nhà nước hay ngành, cấp địa phương hay xí nghiệp. Từ nay đối với tất cả các sản phẩm chính ghi trong kế hoạch, cơ quan quản lý sản xuất đều phải quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật; đối với những sản phẩm chủ yếu có quan hệ rộng rãi đến việc kinh doanh của nhiều ngành, nhiều địa phương và đời sống nhân dân cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn Nhà nước, trong khi chưa có tiêu chuẩn Nhà nước phải quy định rõ tiêu chuẩn ngành; đối với các sản phẩm khác chưa có tiêu chuẩn Nhà nước hoặc tiêu chuẩn ngành phải quy định rõ tiêu chuẩn địa phương hay xí nghiệp.

Trong các hợp đồng mua bán, cung tiêu, gia công hay nhập khẩu hàng hóa, phải quy định rõ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay hàng hóa, kèm theo các điều khoản xử lý nếu không bảo đảm chất lưọng.

Trừ những chất lượng tự chế tự trang, các sản phẩm mới sản xuất hàng loạt của các xí nghiệp trưng ương phải được đăng ký ở Hội đồng xét duyệt sản phẩm trung ương; các sản phẩm mới do các xí nghiệp địa phương sản xuất phải đăng ký ở cơ quan quản lý tiêu chuẩn, đo lường và kiểm tra chất lượng của tỉnh hay thành phố. Tiêu chuẩn chất lượng phải được công bố cho người mua và truyền đạt đầy đủ cho người sản xuất và những người có liên quan.

Từng thời kỳ, các xí nghiệp phải xem xét lại chất lượng của những sản phẩm chính, xác định rõ những mặt chất lượng còn yếu, nên lên mức chất lượng cụ thể cần đạt được trong từng năm và các biện pháp kèm theo để không ngừng nâng cao chất lượng.

Khi báo cáo về tình hình sản xuất và lưu thông phân phối hàng quý, hàng năm các ngành các cấp phải báo cáo rõ tình hình chất lượng sản phẩm và hàng hóa có kèm theo những số liệu cụ thể.

Từ năm 1974 trở đi, khi xét việc hoàn thành kế hoạch sản phẩm của một đơn vị phải xét cả về mặt chất lượng sản phẩm đã đạt, đơn vị nào “không hoàn thành kế hoạch về chất lượng sản phẩm thì xem như không hoàn thành kế hoạch sản xuất toàn diện”. Các cơ quan tiêu chuẩn hóa chịu trách nhiệm xét công nhận về pháp lý các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa, trước hết là phòng (ban) kiểm tra chất lượng ở cơ sở phải chịu trách nhiệm kết luận về chất lượng sản phẩm và hàng hóa trong phạm vi được phân cấp.

2. Sớm bổ sung và ban hành các chế độ, thể lệ làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chủ trì cùng các ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành một số chế độ, thể lệ cần thiết sau đây:

[...]