Nghị quyết số 15/1998/NQ-QH10 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá X do Quốc Hội ban hành

Số hiệu 15/1998/NQ-QH10
Ngày ban hành 20/05/1998
Ngày có hiệu lực 20/05/1998
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/1998/NQ-QH10

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 1998

 

NGHỊ QUYẾT

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM KHOÁ X, KỲ HỌP THỨ BA
(Từ ngày 21 tháng 4 đến ngày 20 tháng 5 năm 1998)

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Sau khi xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình thình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1997; tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 1998; các giải trình chất vấn của Chính phủ; báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri; báo cáo của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

1. Tán thành báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1997, tình hình thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 1998.

Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết về nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 1998 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2.

Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, xử lý kịp thời những khó khăn do thiên tai gây ra, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong khu vực và trên thế giới đối với nước ta.

2. Động viên cao nhất mọi nguồn lực trong nước, mọi nguồn vốn trong nhân dân cho đầu tư phát triển, đảm bảo các cân đối lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tập trung sức khắc phục hậu quả của hạn hán, cháy rừng, xâm mặn, dịch bệnh; chủ động phòng chống bão, lụt. Quan tâm đầu tư tu sửa, làm mới công trình thuỷ lợi, giao thông, điện phục vụ nông nghiệp, bảo vệ nguồn nước. Có chính sách về giá bán vật tư nông nghiệp và giá mua nông sản hợp lý để nông dân có lãi. Bảo đảm an toàn lương thực, không để xảy ra tình trạng thiếu đói.

Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghê, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước gắn với cải cách hành chính trong doanh nghiệp. Phấn đấu thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra.

Đẩy mạnh xuất khẩu, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tìm kiếm, phát triển thị trường mới. Mở rộng quan hệ thương mại cả trong và ngoài nước, làm lành mạnh thị trường nội địa. Tổ chức thông tin tiếp thị, tránh thua thiệt về giá trong xuất khẩu. Xoá bỏ sự phiền hà trong các thủ tục về hải quan. Bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước.

Cải tiến thủ tục, tạo cho được sự chuyển biến, cải thiện cơ bản môi trường đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

3. Bảo đảm thu đúng, thu đủ, gắn với nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước. Chống thất thu thuế, trốn lậu thuế, chống buôn lậu, chống tham nhũng và gian lận thương mại. Triệt để tiết kiệm chi. Khắc phục tình trạng phân tán trong đầu tư vốn ngân sách; tập trung vốn cho các công trình sớm mang lại hiệu quả; hoãn hoặc giảm mức đầu tư cho những công trình chưa cấp bách. Tiếp tục đổi mới quản lý và làm lành mạnh hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Giải quyết những vấn đề bức xúc về văn hoá, xã hội.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Sớm có kết luận về việc phân ban phổ thông trung học, đại học hai giai đoạn và trường đại học đại cương.

Chủ động giải quyết tình trạng lao động mất việc làm và thiếu việc làm hiện nay.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả hỗ trợ các vùng nghèo, xã nghèo và người nghèo, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Sớm giải quyết chế độ cho các trường hợp cán bộ quân sự và dân sự có hưởng lương trước đây khi đi các chiến trường B, C, K mà không có thân nhân ở miền Bắc.

Tăng cường đấu tranh chống các tệ nạn xã hội. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

5. Sơ kết, đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn về cải cách hành chính.

Nhanh chóng đưa các luật, pháp lệnh đã được ban hành vào cuộc sống. Kịp thời có các văn bản hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh. Rà soát để sửa đổi, bổ sung các nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn.

Sớm có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Pháp lệnh chống tham nhũng, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh cán bộ, công chức.

Chuẩn bị tốt dự án Luật khiếu nại, tố cáo và một số dự án luật khác để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân dân và trong các trường học. Thực hiện việc xây dựng "tủ sách pháp luật" tại xã, phường.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án.

6. Quốc hội hoan nghênh cử tri cả nước đã đóng góp nhiều kiến nghị với các cơ quan nhà nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của công dân trong sự nghiệp đổi mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các cơ quan nhà nước đã cố gắng, nghiên cứu, tiếp thu, từng bước giải quyết các kiến nghị của cử tri và coi đó là cơ sở quan trọng để cải tiến nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội yêu cầu các cơ quan nhà nước tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn tại mà cử tri nêu lên tại các kỳ họp trước và nghiên cứu, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này.

[...]