Nghị quyết số 143-CP về việc đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 143-CP
Ngày ban hành 03/08/1970
Ngày có hiệu lực 18/08/1970
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 143-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 1970

 

VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

Từ năm 1955, Đảng đã chỉ rõ phải coi trọng tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp vì đó và là nguồn sinh sống cho hàng chục vạn người. Đảng cũng đã chỉ cho những người sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp con đường hợp tác hoá để tiến lên chủ nghĩa xã hội, qua đó mà không ngừng đẩy mạnh sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và đóng góp ngày càng nhiều cho chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn đã chứng minh rằng trong nền kinh tế nước ta, từ sản xuất nhỏ từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, cùng với công nghiệp quốc doanh địa phương, là một bộ phận hợp thành của công nghiệp địa phương, giữ một vị trí quan trọng và lâu dài trong kinh tế địa phương, đặc biệt trong sản xuất hàng tiêu dùng để cung cấp cho nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu, góp phần cân đối hai ngành sản xuất lớn là công nghiệp và nông nghiệp. Sau khi đã hợp tác hoá, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp từ kinh tế cá thể chuyển thành kinh tế tập thể, là thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, có khả năng mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật để không ngừng nâng cao sức sản xuất.

Được sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của kinh tế quốc doanh, với sự nỗ lực của bản thân mình, sức sản xuất của khu vực kinh tế này đã tăng rất nhanh: năm 1969 so với năm 1955 tăng gấp 3 lần, sản phẩm của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp khá phong phú, có hàng vạn mặt hàng phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu. Nhiều hợp tác xã đã được xây dựng và dần dần mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường trang bị từ thủ công tiến lên nửa cơ giới và trở thành những đơn vị kinh tế xã hội chủ nghĩa, nhận nhiệm vụ sản xuất và cung cấp một khối lượng sản xuất quan trọng, hiện nay, chiếm khoảng 50% tổng giá trị công nghiệp địa phương và khoảng 30% tổng giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là trong thời gian có chiến tranh phá hoại, sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có nhiều biến động, có ngành nghề phát triển ít, nhiều, có ngành nghề giẫm chân tại chỗ, có ngành nghề giảm sút, thậm chí đình đốn. Xu hướng chung là giảm sút, giá trị sản lượng năm 1969 so với 1964 sụt…, mặt hàng kém phong phú, chất lượng xấu hơn. Đến nay tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, trong đó có những nhu cầu rất thông thường.

Mặt khác, quan hệ sản xuất mới trong khu vực sản xuất tập thể bao gồm các hợp tác xã, các tổ sản xuất thủ công nghiệp, trong hợp tác xã nông nghiệp không những không được củng cố, hoàn thiện, mà có phần bị lỏng lẻo, yếu đi, thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa khu vực sản xuất tập thể với Nhà nước và đặc biệt trong mối quan hệ nội bộ của khu vực này. Ở đó còn nhiều chỗ chưa hợp lý, nhiều biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức hợp tác xã, đến đời sống tinh thần, vật chất của xã viên. Trái lại, khu vực sản xuất cá thể đang có chiều hướng phát triển, nhất là ở các thành phố, tác động không tốt đến khu vực sản xuất tập thể, có người trong khu vực tập thể ra làm ăn cá thể. Lao động gia đình thành thị, một nguồn lao động quan trọng cho sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, cũng chưa được tổ chức sử dụng và quản lý thích hợp.

Nguyên nhân của tình hình trên là có phần do ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại, song chủ yếu là do các ngành, các cấp còn chưa thấu suốt và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, chưa có sự chuyển biến sâu sắc, kịp thời trong chỉ đạo sản xuất và tổ chức quản lý đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

II

Trong nhiệm vụ cấp bách về khôi phục và phát triển kinh tế năm nay và trong thời gian tới, đi đôi với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để tăng thêm nguồn lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp, phải ra sức phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, nhằm góp phần nhanh chóng cải thiện đời sống nhân dân đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu về tiêu dùng của nhân dân và tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu. Để đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đi đôi với việc tích cực khôi phục và xây dựng các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, phương hướng quan trọng và cấp bách trước mắt là phải ra sức khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; đồng thời, tiếp tục hoàn thành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Trên cơ sở đó, ra sức tận dụng và phát triển năng lực sản xuất, tăng năng suất lao động, khôi phục các mặt hàng cũ và tăng nhanh các mặt hàng mới, nâng cao phẩm chất, hạ giá thành, có lợi cho Nhà nước, cho hợp tác xã và cho xã viên. Hiện nay, nông nghiệp đang được phát triển theo hướng thâm canh và toàn diện; công nghiệp, nghề rừng, nghề cá đang được đẩy mạnh; tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có thể dựa vào đó, khai thác những điều kiện thuận lợi mới để hoạt động tốt hơn trước. Phương hướng hoạt động chính của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trong lúc này là tận dụng mọi nguồn tài nguyên, mọi nguồn lao động, sử dụng các loại công cụ từ thô sơ đến nửa cơ giới và cơ giới để sản xuất nhanh chóng nhiều mặt hàng tiêu dùng cho nhu cầu của nhân dân, của xuất khẩu và một số tư liệu sản xuất cho nhu cầu sản xuất của địa phương.

Theo phương hướng trên, nhiệm vụ của các ngành, các cấp đối với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là :

1. Phải đẩy mạnh sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp theo tốc độ nhanh hơn, với sản lượng cao hơn, mặt hàng nhiều hơn, phẩm chất tốt hơn, giá rẻ hơn. Cần đặc biệt chú trọng khai thác, tận dụng nguồn tài nguyên trong nước về nông sản, thổ sản, lâm sản, khoáng sản, thuỷ sản của các vùng kinh tế (đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển), nguồn phế liệu, phế phẩm của các xí nghiệp và trong nhân dân, kết hợp sử dụng một cách hợp lý phần nguyên liệu nhập khẩu, phát huy truyền thống sản xuất các ngành nghề, tận dụng mọi nguồn lao động để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng từ hàng thiết yếu, hàng thông thường đến một số tư liệu sản xuất và một số mặt hàng cao cấp, mặt hàng mỹ thuật nhằm phục vụ có hiệu lực 3 mục tiêu của nông nghiệp, phục vụ các ngành xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, các ngành kinh tế khác trong nước và xuất khẩu. Yêu cầu cụ thể là :

a) Chế biến lương thực, thực phẩm, trước hết nhằm vào việc chế biến hoa mầu (khoai, sắn) ở các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, để tăng thêm nguồn lương thực, chế biến đường, mật, kẹo, mứt từ các nguồn mía, hoa quả phân tán; ép các loại dầu từ vừng, sở, trẩu, lai, thầu dầu v.v… chế biến nước mắm và các loại mắm từ các nguồn cá, tôm, tép vùng ven biển (ngoài phần thu mua của Nhà nước); chế biến nước chấm, tương, dấm, dưa, rau khô, bột cà chua, v.v… từ các loại đỗ, ngô, mắm cá, ớt, các loại rau, v.v…; chế biến đậu phụ, các loại bánh ngọt v.v… ở thành phố, thị xã.

b) Sản xuất hàng tiêu dùng tập trung vào những mặt hàng mà tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đang giữ vị trí quan trọng trong sản xuất và đời sống: chiếu cói, đồ cói, nón lá, sành gốm, sứ, thuỷ tinh, đồ mộc dân dụng, guốc; đồ đan lát, học cụ; đồ chơi trẻ em v.v… và những mặt hàng mà tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp còn phải đảm nhiệm sản xuất với khối lượng lớn: vải, màn, khăn mặt, mùi xoa, khăn quàng, lụa, tơ, vải bạt, áo sợi, bít tất, đũi và nhiều mặt hàng may mặc sẵn; đồ kim khí tiêu dùng, đồ bằng da, cao su, nhựa, v.v… sản xuất các mặt hàng bằng vải ni-lông, vải giả da, các mặt hàng phải sản xuất hỗ trợ cho các xí nghiệp quốc doanh như giấy viết, giấy bìa, giấy in ro-nê-ô, giấy gói, đồ tôn, sắt tây và một số mặt hàng về kim khí tiêu dùng, v.v… Ngoài ra, tuỳ nhu cầu và khả năng của từng địa phương mà phát triển sản xuất thật nhiều mặt hàng bách hoá rất cần thiết khác kể cả đồ trang trí trong nhà.

c) Sản xuất tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ bản và các ngành kinh tế khác,  như bảo đảm nhu cầu về nông cụ thường với chất lượng tốt, phù hợp với tập quán canh tác từng vùng, một phần nông cụ cải tiến, xe cải tiến, công cụ cho thuỷ lợi, trồng rừng và khai thác lâm sản, công cụ và máy móc đơn giản cho chế biến nông sản, công cụ và phương tiện cho nghề cá (kể cả đánh, bắt và chế biến cá); bảo đảm việc sửa chữa tốt các nông cụ thường và các loại nông cụ khác. Đối với giao thông vận tải, cần sản xuất và sửa chữa các loại phương tiện vận tải thô sơ cải tiến, đặc biệt là thuyền vận chuyển hàng hoá. Đối với xây dựng cơ bản, cần đáp ứng nhu cầu về gạch, ngói, vôi (kể cả phần vôi bón ruộng); phát triển sản xuất các vật liệu xây dựng có thể khai thác và chế biến ở từng vùng như đá ong, đá xây dựng và vật liệu khác: đồ sắt xây dựng, cưa, sứ vệ sinh, ống dẫn nước, dụng cụ dùng cho đào đất, đổ bê-tông, phương tiện vận chuyển, v.v…

d) Sản xuất hàng xuất khẩu ngày càng tốt và nhiều.  là một lĩnh vực hoạt động cần chú trọng phát triển, có tầm quan trọng khá lớn đối với nền kinh tế nước ta, cũng như đối với bản thân tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Cần chú trọng đẩy mạnh sản xuất hàng mỹ nghệ xí nghiệp, nhằm vào những mặt hàng đang có giá trị xuất khẩu cao như đồ cói, mây, tre, song, bạc, ngà, sơn mài, thêu, lụa tơ, đũi, thổ cẩm, gỗ chạm, mành trúc, thảm v.v… Gia công hàng may mặc: kể cả may mặc kỹ và may mặc phổ thông, đan len, dệt thổ cẩm theo thị hiếu của người đặt hàng; gia công nhiều mặt hàng khác xét có lợi cho nền kinh tế trong nước và đem lại nhiều công ăn việc làm cho đông đảo người lao động.

e) Sửa chữa các đồ dùng và một số loại công cụ, thiết bị máy móc, do bản thân tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp sản xuất ra. Việc này vừa nhằm bổ khuyết những sai sót về chế tạo mà đến khi tiêu dùng mới thấy được, vừa nhằm tăng thêm giá trị sử dụng của các thứ hàng ấy hoặc nhằm cải tiến những mặt hàng ấy cho thích hợp với thị hiếu của từng lúc từng nơi (nhất là đối với các loại đồ gỗ và đồ trang trí trong nhà). Cần tổ chức rộng khắp màng lưới sửa chữa trực tiếp phục vụ cho người tiêu dùng, bao gồm các cửa hàng sửa chữa chuyên nghiệp và các bộ phận sửa chữa đặt tại các cơ sở sản xuất hoặc tại các cửa hàng bán sản phẩm.

2. Coi trọng và đẩy mạnh việc tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Vấn đề này cần được đặt ra cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, gắn chặt hai mặt thúc đẩy sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất với nhau, thường xuyên chú trọng củng cố quan hệ sản xuất mới, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể của hợp tác xã và quan tâm đúng mức đến việc đưa một bộ phận lao động cá thể vào con đường làm ăn tập thể. Kinh tế tập thể phải thực sự mang lại một năng suất lao động cao hơn kinh tế cá thể. Vì lẽ đó, phải chú trọng trước tiên củng cố và phát triển các hợp tác xã thuộc những ngành nghề có yêu cầu phát triển sản xuất mạnh mẽ, có điều kiện tổ chức sản xuất tập trung và phát triển kỹ thuật, tăng năng suất lao động nhanh chóng, tránh lối tổ chức hình thức, máy móc, gò bó.

a) Đối với hợp tác xã sản xuất. Phải tiến hành công tác trên các mặt :

- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã về các mặt: hợp tác xã làm tốt nghĩa vụ bán sản phẩm làm gia công đối với Nhà nước; Nhà nước chỉ đạo sản xuất, thi hành các chính sách về khuyến khích, giúp đỡ cải tiến kỹ thuật, tín dụng, cung cấp nguyên liệu, thiết bị máy móc, tiêu thụ sản phẩm, giá cả, đời sống v.v… và quản lý hành chính công thương; cải tiến quan hệ giữa kinh tế quốc doanh với hợp tác xã trên tinh thần dìu dắt, khuyến khích, giúp đỡ, hợp tác xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống mọi thói hư tật xấu.

- Giải quyết đúng đắn mối quan hệ trong nội bộ hợp tác xã, xây dựng hợp tác xã thành một đơn vị hạch toán kinh tế, định rõ nội dung quản lý sản xuất phải bao gồm cả số lượng và chất lượng hàng hoá, chế độ thưởng và phạt làm thế nào để khuyến khích lao động giỏi, người có kỹ thuật, và đấu tranh chống thói làm lướt, làm ẩu, chạy theo lợi nhuận đơn thuần v.v… Dưới đây là những mục tiêu cụ thể :

- Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, xã viên, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, tuân thủ chính sách và pháp luật Nhà nước, khắc phục mọi biểu hiện tiêu cực: làm ăn tạm bợ, chân trong, chân ngoài, làm ẩu, khai man, lậu thuế, xoay xở tham ô, móc ngoặc v.v…

- Thực hiện chế độ làm chủ tập thể của xã viên trên nguyên tắc tất cả xã viên đều có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau trong hợp tác xã; khắc phục mọi hiện tượng quản lý theo thói gia trưởng, độc đoán; gạt bỏ những phần tử xấu, biến chất ra khỏi bộ máy lãnh đạo và quản lý hợp tác xã.

- Cải tiến các mặt quản lý kế hoạch, lao động, cung tiêu, kế toán tài vụ, kỹ thuật; chú trọng các khâu quản lý lao động, vật tư, tiền vốn; đẩy mạnh phong trào hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến mặt hàng, sáng chế mặt hàng mới.

- Giải quyết đúng đắn quan hệ phân phối trong nội bộ hợp tác xã, xác định tỷ lệ hợp lý giữa tích luỹ và tiêu dùng, thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động, chống lối phân phối bình quân; xoá bỏ những đặc quyền, đặc lợi.

b) Đối với tổ sản xuất thủ công nghiệp. Tiến hành việc củng cố, cải tiến quản lý như đối với hợp tác xã sản xuất; chuyển lên hợp tác xã những cơ sở xét cần thiết và có điều kiện. Phát hiện và chấn chỉnh gấp các hiện tượng tổ sản xuất biến tướng, trá hình.

c) Đối với thủ công nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp. Đối với những ngành nghề trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân và yêu cầu của Nhà nước, có giá trị hàng hoá lớn, thành một ngành hoạt động sản xuất thường xuyên trong hợp tác xã (dệt chiếu, sản xuất đồ gốm, vôi, gạch, hàng xuất khẩu v.v…) thì hợp tác xã nông nghiệp tổ chức kinh doanh và thống nhất quản lý. Đối với những nghề như đan lát, chế biến không thường xuyên, không ảnh hưởng đến việc quản lý lao động trong nông nghiệp, có giá trị hàng hoá nhỏ, thì coi như nghề phụ gia đình và để cho nhân dân tự làm, tự quản; sản phẩm làm ra thông qua hợp tác xã mua bán để tiêu thụ hoặc để tự sản, tự tiêu. Việc phân phối trong nội bộ hợp tác xã, cần có chính sách đối với ngày công một cách thích hợp để giải quyết giá chênh lệch giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công nghiệp nhằm khuyến khích thích đáng sản xuất cả hai ngành, tăng cường kỷ luật lao động trong nông nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng giằng co có hại đến nông nghiệp lúc thời vụ.

d) Đối với sản xuất cá thể. Đối với những nghề đưa vào làm ăn tập thể mà phát huy được tác dụng tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất, tăng thu nhập thì nói chung cần giáo dục giúp đỡ họ vào hợp tác xã hoặc tổ sản xuất để sản xuất và kinh doanh tập thể.

Đối với những người làm những nghề sửa chữa, phục vụ hoặc những nghề sản xuất không quan trọng, nếu xét thấy họ làm ăn tập thể hay làm ăn cá thể cũng không hơn kém gì, tự mình làm lấy, không cần có sự hợp tác của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xét nên hướng dẫn họ vào các tổ chức tập thể hoặc cho phép họ làm ăn cá thể. Đối với những người làm nghề độc đáo của dân tộc (những nghề mỹ nghệ chỉ sản xuất thủ công cá thể mới bảo đảm chất lượng) thì cần để họ được tiếp tục làm ăn cá thể. Đối với những người già yếu, tàn tật, không có khả năng lao động, nhưng không đủ điều kiện tham gia sản xuất tập thể, thì cũng cho họ đăng ký kinh doanh và giúp cho họ điều kiện sản xuất.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ