Chỉ thị 06-CT/NH năm 1973 về biện pháp tạm thời cho vay vốn lưu động đối với trạm vật tư của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 06-CT/NH
Ngày ban hành 26/06/1973
Ngày có hiệu lực 11/07/1973
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Đinh Văn Bảy
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-CT/NH

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 1973 

 

CHỈ THỊ

VỀ BIỆN PHÁP TẠM THỜI CHO VAY VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI TRẠM VẬT TƯ CỦA LIÊN HIỆP HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

I. – MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các trạm vật tư của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp (dưới đây gọi tắt là trạm vật tư) vay vốn lưu động nhằm mục đích giúp các tổ chức này thực hiện kế hoạch thu mua, dự trữ và luân chuyển vật tư hàng hoá, phục vụ kịp thời các yêu cầu sản xuất của các tổ chức hợp tác tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Thông qua công tác cho vay, Ngân hàng phát huy chức năng kiểm soát bằng đồng tiền, thúc đẩy các trạm vật tư tăng cường quản lý sử dụng vật tư và tiền vốn có hiệu quả kinh tế thiết thực.

II. – ĐIỀU KIỆN VAY VỐN

Những điều kiện cơ bản của một trạm vật tư được Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn là:

1. Được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập, hoạt động theo đúng quy định của Ban Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương;

2. Phải là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập; có vốn lưu động tự có, tham gia hàng hoá tối thiểu là 50% định mức dự trữ vật tư – hàng hóa hàng năm; lập được kế hoạch luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hóa, kế hoạch thu, chi tài vụ được liên hiệp hợp tác xã và ngân hàng cấp tỉnh, thành phố duyệt. Kinh doanh phải đảm bảo lấy thu đủ bù chi và có lãi một ít;

3. Trước mỗi kỳ kế hoạch (năm và quý) phải gửi kế hoạch luân chuyển  và dự trữ vật tư – hàng hoá, kế hoạch thu, chi tài vụ (vốn, phí vay, trả,…) và sau mỗi kỳ kế hoạch phải gửi các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đó; bảng tổng kết tài sản và các báo cáo có liên quan cho ngân hàng trực tiếp cho vay.

4. Phải mở tài khoản tiền gửi thanh tóan, tiền gửi các quỹ chuyên dùng và trích gửi thường xuyên, đầy đủ vào Ngân hàng Nhà nước, sử dụng đúng nguyên tắc và có kế hoạch.

III. – ĐỐI TƯỢNG CHO VAY

Ngân hàng chi cho vay để mua và dự trữ những vật tư thuộc vốn hàng hoá mà các trạm vật tư được phép kinh doanh theo tinh thần nghị quyết số 143-CP ngày 3-8-1970 của Hội đồng Chính phủ đã quy định bao gồm:

1. Các loại phế liệu, phế phẩm, bao bì thải ra trong quá trình sản xuất của các ngành công, nông, lâm nghiệp v.v… đồ cũ, đồ nát trong nhân dân và trong các cơ quan Nhà nước;

2. Các loại vật tư kém phẩm chất, sai quy cách của các cơ quan xí nghiệp quốc doanh đã được cơ quan  có thẩm quyền quyết định cho bán;

3. Một số loại vật tư thuộc diện Nhà nước quản lý nhưng các tổ chức cung ứng vật tư của Nhà nước không đảm bảo cung cấp, được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cho phép tổ chức khai thác, thu mua và một số loại vật tư khác ngoài diện quản lý của Nhà nước.

Các đối tượng được vay trên đây phải là những vật tư tiêu thụ được.

IV. LOẠI CHO VAY

Căn cứ vào tính chất kinh doanh và nhu cầu các loại vốn hiện nay của trạm vật tư, Ngân hàng quy định một số loại cho vay như sau:

1. Cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư hàng hoá,

2. Cho vay nhu cầu tạm thời,

3. Cho vay thanh toán.

1. Cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hoá

Cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hoá là một loại cho vay có tính chất tham gia theo phần của ngân hàng vào giá trị vật tư tồn kho của trạm vật tư một cách thường xuyên, gắn liền với quá trình mua vào bán ra và dự trữ của tổ chức đó.

Cách tính toán cho vay, thu nợ như sau:

a) Xác định số kiểm tra cho vay hàng quý

Căn cứ vào kế hoạch dự trữ và luân chuyển vật tư – hàng hoá năm có chia theo quý và vốn lưu động tự có, kế hoạch tham gia vào định mức dự trữ vật tư – hàng hoá của trạm vật tư, ngân hàng xác định mức dư nợ kế hoạch cuối mỗi quý và mức dư nợ cao nhất trong quý.

- Mức dư nợ kế hoạch cuối quý

[...]