Nghị quyết 140/2024/QH15 thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội ban hành

Số hiệu 140/2024/QH15
Ngày ban hành 29/06/2024
Ngày có hiệu lực 13/08/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Thương mại,Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 140/2024/QH15

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 NGÀY 11/01/2022 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ MỘT SỐ DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH15;

Căn cứ Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết số 94/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; ý kiến của đại biểu Quốc hội và Báo cáo số 899/BC-UBTVQH15 ngày 28/6/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 616/BC-ĐGS ngày 13/5/2024 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là Nghị quyết số 43/2022/QH15) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15

1.1. Kết quả đạt được

Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng giảm thấp, sản xuất kinh doanh thu hẹp, an sinh xã hội, việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được tiến hành hết sức khẩn trương trong phạm vi cả nước, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19, từng bước kiểm soát và kết thúc dịch COVID-19, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hầu hết chính sách, biện pháp được ban hành tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 là kịp thời, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.

Qua 02 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép và thấp hơn so với mức dự kiến. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong 02 năm 2022 và 2023 tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025.

Một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh; các cơ chế đặc thù đã tăng cường tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả dự án đầu tư.

1.2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn một số tồn tại, hạn chế sau đây:

a) Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa bảo đảm tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn; danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều so với dự kiến khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình;

b) Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời hạn quy định trong 02 năm 2022 và 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV;

c) Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 56% kế hoạch, phải điều chuyển để thực hiện chính sách khác; chính sách sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam chưa thực hiện giải ngân được như dự kiến; Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã được tăng vốn điều lệ nhưng chưa được sử dụng hiệu quả;

d) Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương triển khai còn chậm, lúng túng. Việc mua sắm, cung ứng thuốc, vắc - xin, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, có thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Đầu tư cho y tế chủ yếu tập trung xây dựng hạ tầng, trạm y tế, chưa bảo đảm về trang thiết bị và đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên y tế để phát huy hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

1.3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

1.3.1. Nguyên nhân khách quan

a) Trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn và kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; tình hình dịch COVID-19 biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Nghị quyết được xây dựng và ban hành rất khẩn trương trong thời gian ngắn nên công tác dự báo khó bảo đảm tính chính xác;

b) Một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai chưa có tiền lệ, yêu cầu phải triển khai thực hiện hết sức khẩn trương, sớm đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tránh thất thoát, tiêu cực trong khi việc hướng dẫn ban hành chính sách, tổ chức thực hiện phải theo quy định trong điều kiện bình thường, dẫn đến chậm trong ban hành chính sách, phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện và kết quả giải ngân thấp so với yêu cầu đặt ra;

c) Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô lớn, triển khai trên phạm vi toàn quốc, bao hàm nhiều chính sách với đối tượng thụ hưởng đa dạng, trong khi cơ sở dữ liệu để quản lý chưa hoàn thiện;

d) Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục trong quá trình thụ hưởng chính sách.

[...]