HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2021/NQ-HĐND
|
Bắc Kạn, ngày 07
tháng 12 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
QUY
ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG ĐẢM BẢO YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐƯỢC
ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY NĂM 2001 CÓ HIỆU LỰC
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ SÁU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29
tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa
cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng
7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng
phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng
11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05 tháng
03 năm 2018 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số
83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của
lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng
12 năm 2020 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm
2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng
cháy và chữa cháy;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ
trình số 148/TTr-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2021 về quy định việc xử lý các cơ sở
trên địa bàn tỉnh không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào
sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực; Báo cáo thẩm
tra số 188/BC-HĐND ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân
tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định việc xử lý các cơ sở không đảm
bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật
Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ sở được đưa vào sử dụng trước ngày 04 tháng
10 năm 2001 không đáp ứng ít nhất một trong các yêu cầu quy định tại Điều 20 Luật
Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
1. Tuân thủ việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn,
quy định về phòng cháy và chữa cháy tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện
hành. Các giải pháp phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, phù hợp với thực
tiễn.
2. Đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy
và chữa cháy theo hướng ổn định, phát triển, phù hợp với quy hoạch của địa
phương.
3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết
này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản hiện hành.
Điều 4. Quy định việc xử lý đối
với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy đưa vào sử dụng
trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 có hiệu lực trên địa bàn tỉnh
1. Có quy định, nội quy về an toàn phòng cháy và chữa
cháy
Các cơ sở chưa ban hành nội quy, biển cấm, biển
báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phải xây dựng,
ban hành nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và
chữa cháy, thoát nạn theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Thực hiện các biện pháp về phòng cháy
a) Bậc chịu lửa: Nhà và công trình không đảm bảo bậc
chịu lửa theo quy định tại Bảng 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy
cho nhà và công trình được ban hành tại Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày
19/05/2021 của Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (gọi tắt là QCVN thì áp dụng một
trong các giải pháp sau:
Lắp đặt các trần treo để nâng bậc chịu lửa của sàn
giữa các tầng và sàn mái phù hợp với các yêu cầu về tính nguy hiểm cháy đề ra đối
với sàn giữa các tầng và sàn mái.
Đối với các kết cấu của nhà, công trình như: Cột, dầm,
sàn, hệ kết cấu đỡ, mái, tường có giới hạn chịu lửa thấp hơn quy định, tùy thuộc
vào đặc điểm của từng loại kết cấu có thể sử dụng giải pháp bảo vệ các kết cấu
như: Sơn chống cháy, bọc bằng gạch, trát bằng thạch cao hoặc xi măng - vôi, bê
tông hoặc bê tông đá bọt phun lên cấu kiện để nâng bậc chịu lửa của nhà, công
trình.
b) Đường giao thông cho xe chữa cháy: Các cơ sở có
đường cho xe chữa cháy không đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chiều rộng, chiều cao
thông thủy, tải trọng của đường giao thông, kích thước bãi đỗ cho xe chữa cháy
theo quy định tại 6.2 QCVN 06:2021/BXD thì áp dụng một trong các giải pháp sau:
Xem xét đến khả năng tiếp cận thông qua đường giao
thông nội bộ của công trình liền kề. Có biện pháp phối hợp với cơ sở liền kề về
sử dụng đường giao thông để phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
Bổ sung các họng tiếp nước (họng chờ) để xe
chữa cháy triển khai tiếp nước đến hệ thống chữa cháy của tòa nhà.
Trường hợp có đường nội bộ kích thước nhỏ hơn 3,5m,
lực lượng chữa cháy có thế tiếp cận dọc theo đường nội bộ thì mở thêm các cửa
tiếp cận từ ngoài vào trong có kích thước chiều cao, chiều rộng đảm bảo theo
quy định tại 3.2.9 QCVN 06:2021/BXD. Tại vị trí các cửa, phải bố trí họng nước
chữa cháy ngoài nhà và phải được kết nối trực tiếp đến vị trí họng chờ.
c) Khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy: Các
cơ sở có khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy của nhà và công trình
không đảm bảo theo quy định tại Phụ lục E QCVN 06:2021/BXD thì áp dụng một
trong các giải pháp sau:
Nâng bậc chịu lửa cho các vật liệu nằm trên tường
ngoài của công trình theo hướng tiếp giáp với công trình xung quanh hoặc giới hạn
chịu lửa của các cấu kiện xây dựng chính bằng các giải pháp quy định tại điểm
a, khoản 2, Điều 4 Nghị quyết này.
Ốp tấm, vật liệu chống cháy bên trong các cửa sổ, lỗ
cửa.
Bổ sung giải pháp phân vùng ngăn cháy, bố trí chất
cháy cách xa tường ngoài phía tiếp giáp với công trình xung quanh.
Giảm khối lượng chất cháy bố trí trong công trình.
d) Bố trí mặt bằng, công năng sử dụng: Các cơ sở bố
trí, sắp xếp công năng các tầng, các khu vực trong cơ sở không đảm bảo theo quy
định tại Phụ lục H QCVN 06:2021/BXD thì áp dụng một trong các giải pháp sau:
Nâng bậc chịu lửa của công trình bằng các giải pháp
quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 4 Nghị quyết này để đảm bảo diện tích khoang
cháy.
Quá trình vận hành, hoạt động hạn chế số người đối
với các công năng bố trí ở các tầng cao để đảm bảo thoát nạn nhanh chóng không
bị ùn, tắc khi tổ chức thoát nạn.
Đối với các phòng có nhóm người hạn chế về vận động
như trẻ em, người già, người bệnh, người tàn tật phải điều chỉnh bố trí ở các tầng
thấp.
Bố trí công năng trong công trình cần tính toán đến
đặc điểm sử dụng bao gồm thời gian sử dụng trong ngày, thể trạng, lứa tuổi của người
sử dụng để đưa ra phương án thoát nạn an toàn cho các gian phòng, khu vực đó.
Trang bị các giải pháp kỹ thuật bổ sung cho các
phòng chức năng để đảm bảo vận hành an toàn khi có sự cố, cháy nổ xảy ra như:
Trang bị 03 nguồn điện cấp cho bơm chữa cháy; camera giám sát trạng thái phòng
bơm; bố trí nút ấn điều khiển bơm tại phòng trực chống cháy; chế độ ngắt của
bơm chữa cháy phải bằng tay, không được tự ngắt bằng công tắc áp lực; hệ thống
thông tin báo cháy, hướng dẫn thoát nạn.
đ) Giải pháp ngăn cháy lan: Các cơ sở không thể đảm
bảo các quy định về ngăn cháy theo quy định tại Phần 4 QCVN 06:2021/BXD thì áp
dụng một trong số các giải pháp sau:
Nâng bậc chịu lửa của công trình bằng các giải pháp
quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị quyết này để hạn chế tính nguy hiểm
cháy của vật liệu xây dựng được sử dụng ở các lớp bề mặt của kết cấu nhà.
Giảm số lượng chất hàng nguy hiểm cháy, nổ, sắp xếp
hàng hóa tạo khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đến khu vực có nguồn
nhiệt, nguồn lửa, thiết bị điện. Phân chia các khu vực để hàng hóa cách nhau từ
3-5m giảm nguy cơ cháy lan và tăng khả năng tiếp cận của lực lượng chữa cháy.
e) Giải pháp thoát nạn: Các cơ sở có giải pháp
thoát nạn không thể đảm bảo theo quy định tại 3.2, 3.3 và 3.4 QCVN 06:2021/BXD
thì áp dụng một trong các giải pháp sau:
Bổ sung thêm lối ra thoát nạn thứ hai là các thang
sắt ngoài nhà trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về phòng cháy và chữa
cháy như: Chiều rộng, độ dốc, số bậc, khả năng chịu lực của cấu kiện thang và
phải tính toán các yếu tố tác động đến quá trình thoát nạn khi xảy ra cháy, yếu
tố tác động của môi trường xung quanh đến quá trình thoát nạn.
Trang bị các thiết bị phục vụ thoát nạn như: Thang
dây, thang móc, ống tụt để thoát hiểm khẩn cấp trong trường hợp xảy ra cháy, nổ.
Hạn chế tính nguy hiểm cháy của vật liệu xây dựng
thuộc các lớp bề mặt kết cấu gian phòng, hành lang, đường thoát nạn.
Mở các ô thoáng nằm trên hành lang thoát nạn để
thông gió tự nhiên thay thế hệ thống hút khói hành lang.
Bổ sung giải pháp mở ô thoáng ở mặt ngoài buồng
thang bộ đảm bảo thang được thông gió, thoát khói tự nhiên thay thế hệ thống
tăng áp cho buồng thang bộ.
Bổ sung giải pháp về thông báo, tổ chức thoát nạn bằng
hệ thống thông báo, hướng dẫn thoát nạn, hoặc bố trí người thường trực để kịp
thời báo động và hướng dẫn thoát nạn.
Trang bị mặt nạ lọc độc trên mỗi tầng để phục vụ
người sử dụng trong quá trình thoát nạn.
3. Hệ thống báo cháy, chữa cháy
Các cơ sở chưa thực hiện trang bị hệ thống báo
cháy, chữa cháy phải thực hiện trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định
tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2009 về phương tiện phòng cháy và chữa cháy
cho nhà và công trình - Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng được ban hành tại
Quyết định số 2726/QĐ-BKHCN ngày 01/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia.
4. Lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp
ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy
Đối với các cơ sở chưa có lực lượng, phương tiện và
các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy phải thành lập, quản
lý, đảm bảo điều kiện hoạt động, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng
cháy và chữa cháy cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở theo quy định của
pháp luật hiện hành; trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đảm bảo các điều kiện đáp ứng
yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu
tài sản, chống cháy lan
Đối với các cơ sở chưa có phương án chữa cháy và
phương án cứu nạn, cứu hộ phải xây dựng, quản lý, tổ chức thực tập phương án chữa
cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa
cháy
Đối với các cơ sở chưa bố trí được kinh phí cho hoạt
động phòng cháy và chữa cháy thì bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa
cháy, sử dụng kinh phí đúng mục đích theo quy định của pháp luật hiện hành.
7. Hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và
chữa cháy
Đối với các cơ sở chưa có hồ sơ theo dõi, quản lý
hoạt động phòng cháy và chữa cháy phải lập hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động
phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội
đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn
khóa X, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực kể từ
ngày 17 tháng 12 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- VPQH, VPCP, VPCTN;
- Ban Công tác đại biểu (UBTVQH);
- Bộ Công an;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh;
- TT. Huyện (Thành) ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- LĐVP;
- Phòng Công tác HĐND;
- Lưu: VT, HS.
|
CHỦ TỊCH
Phương Thị Thanh
|