QUY ĐỊNH
CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT
TRIỂN BẰNG NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 134/2010/NQ-HĐND, ngày 10 tháng 12 năm 2010
của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Chương I
NGUYÊN TẮC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU
TƯ PHÁT TRIỂN CHO CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN
Điều 1. Nguyên tắc phân bổ
vốn đầu tư phát triển cho các công trình, dự án:
1. Thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân
sách nhà nước. Vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước chỉ bố trí
cho các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng
hoàn vốn trực tiếp và phục vụ lợi ích công.
2. Các công trình, dự án được bố trí vốn phải nằm
trong quy hoạch đã được phê duyệt; phải phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế
- xã hội và có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định về quản lý đầu tư và xây
dựng.
3. Bố trí vốn tập trung, bảo đảm hiệu quả đầu
tư. Ưu tiên bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án
khác theo nghị quyết của cấp trên và cấp có thẩm quyền, vốn đối ứng cho các dự
án ODA, vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án.
4. Ưu tiên bố trí đủ vốn để thanh toán các khoản
nợ và ứng trước năm kế hoạch.
5. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng
trong phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Chương II
NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ
ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG CÂN ĐỐI NGÂN SÁCH CỦA HUYỆN, THÀNH
PHỐ
Điều 2. Nguyên tắc xây dựng
các tiêu chí và định mức phân bổ:
1. Thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân
sách nhà nước, các tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển được xây
dựng cho năm 2011, là cơ sở để xác định tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối của
ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thành phố, được ổn định trong năm của giai
đoạn 2011 - 2015.
2. Bảo đảm tính tương quan hợp lý giữa các huyện
và thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển; góp phần thu hẹp dần
khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa
các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh.
3. Bảo đảm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của
ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để thu hút tối đa các nguồn vốn khác cho đầu
tư phát triển.
4. Mức vốn đầu tư phát triển trong cân đối
(không bao gồm nguồn thu từ tiền sử dụng đất) năm 2011, năm đầu của thời kỳ ổn
định 2011 - 2015 của từng huyện, thành phố không thấp hơn số vốn kế hoạch 2010.
5. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng
trong phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 3. Các tiêu chí phân bổ
vốn:
1. Tiêu chí dân số, gồm: Số dân trung
bình và số người dân tộc thiểu số của các huyện, thành phố.
2. Tiêu chí về trình độ phát triển, gồm: Thu nội
địa (không bao gồm số thu sử dụng đất) và tỷ lệ hộ nghèo.
3. Tiêu chí diện tích đất tự nhiên.
4. Tiêu chí tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng
diện tích đất tự nhiên.
5. Tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã, phường,
thị trấn của huyện, thành phố.
6. Tiêu chí bổ sung, gồm: Tiêu chí đô thị loại
III, đô thị loại IV và huyện mới tách.
Điều 4. Xác định số điểm từng
tiêu chí cụ thể:
1. Tiêu chí dân số: Bao gồm số dân trung
bình và số người dân tộc thiểu số căn cứ theo số liệu công bố của Cục Thống kê
năm 2009. Cách tính điểm cụ thể như sau:
a) Huyện, thành phố có số dân đến 100.000 người
được tính 10 điểm.
b) Huyện, thành phố có dân số trên 100.000 người,
cứ tăng thêm 10.000 người được cộng thêm 1 điểm.
c) Huyện, thành phố: Có số người dân tộc, cứ 500
người được cộng thêm 0,5 điểm; có người dân tộc từ trên 100 người đến dưới 500
người được cộng thêm 0,3 điểm.
2. Tiêu chí về trình độ phát triển, bao gồm 2
tiêu chí: Thu nội địa và tỷ lệ hộ nghèo.
a) Tiêu chí thu nội địa (không bao gồm số thu sử
dụng đất), cách tính điểm như sau: Thu ngân sách dưới 20 tỷ đồng được tính 10
điểm; thu ngân sách từ 20 tỷ đồng trở lên, cứ mỗi 1 tỷ đồng tăng thêm được cộng
1 điểm.
b) Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo được
xác định căn cứ số liệu công bố điều tra hộ nghèo năm 2010. Cách tính điểm cụ
thể như sau: Huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 8% được tính 1 điểm, từ
trên 8% cứ tăng thêm 1% thì được cộng thêm 0,5 điểm.
3. Tiêu chí diện tích đất tự nhiên: Diện
tích đất tự nhiên xác định căn cứ theo số liệu của Cục Thống kê tính đến ngày
01 tháng 01 năm 2010. Cách tính điểm cụ thể như sau:
a) Diện tích dưới 1.000 ha được tính 3 điểm.
b) Từ 1.000 ha đến dưới 5.000 ha, cứ tăng thêm
1.000 ha được cộng thêm 0,3 điểm.
c) Từ 5.000 ha đến dưới 10.000 ha, cứ tăng thêm
1.000 ha được cộng thêm 0,2 điểm; từ 10.000 ha trở lên, cứ tăng thêm 1.000 ha
được cộng thêm 0,1 điểm.
4. Tiêu chí tỷ lệ diện tích đất trồng lúa
trên tổng diện tích đất tự nhiên: Diện tích đất trồng lúa để xác định điểm
tính căn cứ trên diện tích đất trồng lúa đến ngày 01 tháng 01 năm 2009 lấy theo
số liệu công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thống kê. Cách tính điểm cụ
thể như sau: Đến 30%, cứ 1% diện tích được tính 0,2 điểm; trên 30% đến 50%, cứ
1% diện tích tăng thêm được tính 0,6 điểm; trên 50% trở lên, cứ 1% diện tích tăng
thêm được tính 0,8 điểm.
5. Tiêu chí số đơn vị hành chính cấp xã, phường,
thị trấn của huyện, thành phố: Số đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn
tính toán điểm căn cứ số liệu công bố của Sở Nội vụ và Cục Thống kê về số đơn vị
hành chính cấp xã, phường, thị trấn đến ngày 31 tháng 12 năm 2009. Cách tính điểm
cụ thể như sau:
a) Huyện, thành phố có từ 6 đơn vị xã, phường,
thị trấn trở xuống được tính 5 điểm.
b) Huyện, thành phố có từ 7 đơn vị xã, phường,
thị trấn trở lên, cứ mỗi xã, phường, thị trấn cộng thêm 0,5 điểm.
6. Tiêu chí bổ sung, có 4 tiêu chí bổ sung cụ
thể như sau:
a) Thành phố Vĩnh Long là đô thị loại III được
tính 60 điểm.
b) Thị trấn Cái Vồn là đô thị loại IV được tính
30 điểm.
c) Huyện mới tách được tính 20 điểm.
d) Tốc độ phát triển đô thị hoá: Đối với thị trấn
được tính 10 điểm.
Điều 5. Số điểm và tổng số vốn
cân đối cho các huyện, thành phố.
1. Số điểm của mỗi huyện, thành phố là tổng số
điểm về tiêu chí dân số, tiêu chí về trình độ phát triển, tiêu chí diện tích đất
tự nhiên, tiêu chí tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự
nhiên, tiêu chí về đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, tiêu chí bổ
sung.
2. Tổng số vốn cân đối cho mỗi huyện, thành phố
được tính như sau:
Tổng số vốn cân
đối cho mỗi huyện, thành phố
|
=
|
Tổng số vốn đầu
tư phân cấp cho huyện, thành phố theo tỷ lệ
|
x
|
Số điểm của mỗi
huyện, thành phố
|
Tổng số điểm
các huyện, thành phố
|
3. Số điểm và tổng số vốn cân đối cho các huyện,
thành phố có bảng tổng hợp chi tiết đính kèm.
Điều 6. Điều chỉnh bất hợp
lý:
Sau khi phân bổ theo các tiêu chí và định mức
trên, đối với các huyện, thành phố có số vốn đầu tư trong cân đối (không bao gồm
đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất) thấp hơn kế hoạch năm 2010 (số vốn do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao) sẽ được điều chỉnh bằng số vốn đầu tư trong cân đối
(không bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất) kế hoạch năm 2010 do Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh giao.
Chương III
CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ
VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN BỔ SUNG CÓ MỤC TIÊU TỪ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG CHO TỈNH
Điều 7. Nguyên tắc, tiêu chí
và định mức phân bổ vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho tỉnh:
Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ đối với
vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương được xác định theo quy định tại
các quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ chuyên ngành, quản
lý chương trình, cụ thể như sau:
1. Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng kỹ thuật khu công nghiệp: Theo Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng
3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách
trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp tại các
địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
2. Chương trình hỗ trợ phát triển giống cây nông
- lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản: Theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giống
cây nông - lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020.
3. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng
đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015 theo quyết định phê duyệt của Thủ
tướng Chính phủ.
4. Chương trình bố trí di dân, định canh, định
cư: Theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt
khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng
phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định
hướng đến năm 2015.
5. Hỗ trợ đầu tư các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
6. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch.
7. Hỗ trợ đầu tư các huyện mới chia tách: Thực
hiện theo các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về
chia tách huyện từ năm 2005 trở lại đây.
8. Hỗ trợ đầu tư xây dựng các trụ sở Uỷ ban nhân
dân cấp xã.
9. Hỗ trợ vốn đối ứng các dự án ODA do địa
phương quản lý.
10. Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn
2011 - 2015.
11. Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số: Theo Quyết
định số 1342/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du
cư đến năm 2012.
12. Đối với các khoản đầu tư từ nguồn thu xổ số
kiến thiết (XSKT): Tiếp tục thực hiện chủ trương của cấp có thẩm quyền về cơ chế
quản lý sử dụng nguồn thu XSKT, tập trung cho các công trình, dự án thuộc các
lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hoá - thể thao và phúc lợi công cộng,
giao thông nông thôn theo Nghị quyết Trung ương VII. Trong đó, thực hiện cơ chế
bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thành phố có các công trình, dự án thuộc các
lĩnh vực theo phân cấp quản lý đầu tư và quyết định của cấp có thẩm quyền.
13. Hỗ trợ mục tiêu khác:
a) Hỗ trợ các công trình kiên cố hoá kênh mương
theo nguồn vốn trung ương phân bổ cho tỉnh vay lãi suất 0% trong thời hạn 5
năm.
b) Hỗ trợ xây dựng xã nông thôn mới theo nghị
quyết của trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn./.