Nghị quyết 133/2009/NQ-HĐND16 quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh
Số hiệu | 133/2009/NQ-HĐND16 |
Ngày ban hành | 23/04/2009 |
Ngày có hiệu lực | 01/05/2009 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Ninh |
Người ký | Nguyễn Công Ngọ |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/2009/NQ-HĐND16 |
Bắc Ninh, ngày 23 tháng 4 năm 2009 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn; Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 11/TTr-UBND ngày 15/4/2009 của UBND tỉnh “V/v Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh”; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Tờ trình của UBND tỉnh "V/v Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận danh hiệu và khen thưởng đối với làng nghề, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh" với những nội dung chủ yếu sau:
I. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1. Đối với các làng nghề: Quy định này áp dụng cho tất cả các làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong tỉnh Bắc Ninh.
2. Đối với thợ giỏi, nghệ nhân: Là công dân có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, làm việc trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh: Bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
II. Tiêu chuẩn, trách nhiệm và quyền lợi của làng nghề:
1. Tiêu chuẩn làng nghề:
1.1. Tiêu chuẩn làng nghề:
+ Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
+ Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề.
+ Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
1.2. Tiêu chuẩn làng nghề truyền thống:
Làng nghề truyền thống phải đạt các tiêu chuẩn của làng nghề và đảm bảo một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất một nghề sản xuất truyền thống tối thiểu là 50 năm, có nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc, có nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
2. Trách nhiệm của làng nghề:
Tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, quan tâm cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh. Bám sát nhu cầu thị trường để sản xuất mặt hàng mới, du nhập nghề mới, đồng thời chú trọng đảm bảo môi trường sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững.
3. Quyền lợi của làng nghề:
3.1. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề do UBND tỉnh công nhận được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các chế độ ưu đãi nghề và làng nghề của UBND tỉnh.
3.2. Mỗi một làng nghề đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận và tặng Biểu tượng làng nghề Bắc Ninh.
4. Thu hồi danh hiệu làng nghề:
Làng nghề mới được công nhận sau 05 năm không đạt các tiêu chí quy định sẽ bị thu hồi Bằng công nhận và Biểu tượng làng nghề.