Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 12/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 04/12/2013
Ngày có hiệu lực 14/12/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Thông
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2013/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003, Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-TTg ngày 30/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Quyết định 2986/QĐ-BTC ngày 30/11/2013 của Bộ Tài chính về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 tỉnh Hưng Yên;

Sau khi xem xét Báo cáo số 188/BC-UBND ngày 27/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2014, báo cáo thẩm tra của các Ban và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

I. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013:

Năm 2013 là năm kinh tế của tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, sự trầm lắng của kinh tế trong nước và những diễn biến phức tạp của thời tiết. Song, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Kỳ họp thứ tư - HĐND tỉnh.

Tổng sản phẩm (GDP) tăng 7,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: NN 17,05% - CN, XD 48,21% - DV 34,74%. Tổng diện tích gieo trồng đạt 108.849 ha, tăng 0,71%, lúa chất lượng cao đạt 61,5% diện tích, tăng 1,4% so với năm 2012; diện tích cây vụ đông tăng 4,8%; giá trị chăn nuôi tăng 1,2%; giá trị sản xuất thủy sản tăng 4,22%; sản lượng cây ăn quả nói chung đều tăng và được giá. Sản xuất công nghiệp tăng khá, giá trị sản xuất tăng 7,31%; thu hút được 84 dự án (trong đó: 54 dự án trong nước, 30 dự án nước ngoài) với tổng số vốn đầu tư 2.980 tỷ đồng và 129 triệu USD. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất tăng 12,23%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 11,7% so với năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 6,7% so với bình quân chung cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa phát triển. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.700 triệu USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.700 tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán Trung ương giao (trong đó thu nội địa trên 4.100 tỷ, thu thuế xuất nhập khẩu 1.600 tỷ, thu xổ số kiến thiết 8 tỷ). Tổng số vốn huy động cho đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 19.984 tỷ đồng (tăng 14% cùng kỳ), trong đó trên 10,5 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai, bình quân toàn tỉnh đạt 9,3 tiêu chí/xã, tăng 2,5 tiêu chí/xã so với năm 2012. GDP bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng.

Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, duy trì Hưng Yên thuộc tốp đầu các tỉnh trong cả nước; công tác đào tạo nghề được quan tâm, dạy nghề cho 4,5 vạn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47%. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được cải thiện; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 20%; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,9%. Văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra sôi nổi; Tỷ lệ làng, khu phố văn hóa chiếm 81%. Các chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng xã hội được đảm bảo, công tác chăm sóc trẻ em được chú trọng; Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,77%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được củng cố. Việc xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có chuyển biến tích cực.

Hội đồng nhân dân tỉnh biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế; sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành đã góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Kinh tế tăng trưởng chậm. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tuy có tăng so với năm 2012 song chưa đạt kế hoạch đề ra, một số khoản thu ngân sách chủ yếu đạt thấp so với dự toán. Giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 0,16%. Tỷ lệ nợ xấu tăng so với năm trước. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đã có 958 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 30 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể. Việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm hành lang giao thông, các công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa có tiến bộ, số vụ tai nạn giao thông vẫn cao. Tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa được cải thiện nhiều, thủ tục khám chữa bệnh đối với người có bảo hiểm y tế còn phiền hà, tỷ lệ mất cân bằng giới tính vẫn ở mức cao. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền pháp luật, công tác kiểm sát, xét xử, thi hành án dân sự vẫn còn những mặt hạn chế…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó là do khi xây dựng kế hoạch năm 2013, không lường được hết diễn biến không thuận lợi của tình hình kinh tế trong và ngoài nước nên đề ra chỉ tiêu cao. Một số ngành, địa phương chưa tích cực, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao. Tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính ở một số khâu, một số cơ quan, địa phương chưa tích cực…

II. Những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản năm 2014

Năm 2014 là năm bước sang nửa cuối của chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Dự báo tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thoát ra khỏi suy thoái, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

1. Các mục tiêu chủ yếu.

1.1. Tổng sản phẩm (GDP) tăng 7,2 - 7,5%. Trong đó: giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2 - 2,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%; dịch vụ tăng 10 - 11%. Cơ cấu kinh tế: NN 17% - CN,XD 48% - DV 35%.

1.2. Thu ngân sách đạt 6.350 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa 4.472 tỷ đồng (thu từ xổ số kiến thiết 8 tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.878 tỷ đồng.

1.3. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.

1.4. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng.

1.5. Nâng cao chất lượng dân số, duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,5%; tạo thêm việc làm mới cho 2 vạn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 52%.

1.6. Xây dựng 22 trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 40% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 65 - 70%.

1.7. Tỷ lệ làng, khu phố văn hóa đạt 83%; tỷ lệ gia đình văn hóa 88%.

2. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

2.1. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, khuyến khích tất cả các xã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, triển khai thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường thôn, xóm, đường ra đồng và tiếp tục triển khai vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn. Có cơ chế để khuyến khích chuyển đổi mô hình sản xuất phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng chỉ đạo đảm bảo giống cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư; chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và cây trồng; phòng chống lụt, bão, úng. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia liên kết. Tiếp tục thực hiện Đề án dồn thửa đổi ruộng ở 22 xã làm điểm, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây hàng năm để có giá trị kinh tế cao hơn.

[...]