Nghị quyết 108/NQ-HĐND năm 2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 108/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2021
Ngày có hiệu lực 10/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Phạm Viết Thanh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/NQ-HĐND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu svà miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu svà miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Xét Tờ trình số 201/TTr-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo thẩm tra số 184/BC-VHXH ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025 (có Chương trình kèm theo), với những nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu đầu tư

a) Mục tiêu tổng quát

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 - 2025 để giải quyết các vấn đề bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số: giải quyết nhu cầu nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh và tiếp cận các tiện ích công cộng (điện, nước sạch); phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thúc đẩy giảm nghèo, đảm bảo sinh kế bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

b) Mục tiêu cụ thể

- Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,0 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm từ 3%-5%, đến năm 2025 giảm còn dưới 2% theo chuẩn nghèo mới.

- Phấn đấu đạt 99,5% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở đạt tiêu chuẩn từ bán kiên cố trở lên; trên 95,5% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh theo chuẩn; trên 99,8% hộ được sử dụng điện thường xuyên; trên 83% hộ được sử dụng nước máy, qua đó gia tăng hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 99,8%.

- 100% thôn, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có đường giao thông được cứng hóa và cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển biến tích cực trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu trên 98% trẻ em dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học; trên 98% hoàn thành chương trình tiểu học và trên 98% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15 đến hết tuổi lao động biết chữ phổ thông.

- Hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất (giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp đầu vào, chuồng trại chăn nuôi); nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực sản xuất (tập huấn cho hộ gia đình; tham quan học tập kinh nghiệm...), đẩy mạnh giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch khoảng cách phát triển trong đồng bào dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của tỉnh.

- Tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền vận động thúc đẩy chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố và phát huy vai trò của người có uy tín; thúc đẩy bình đẳng giới; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

- Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn và không để xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

- Hỗ trợ lễ hội, Tết truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

2. Đối tượng thụ hưởng và nguyên tắc thực hiện

[...]