Nghị quyết 05/2011/NQ-HĐND tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2011 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 05/2011/NQ-HĐND
Ngày ban hành 15/07/2011
Ngày có hiệu lực 25/07/2011
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Doãn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2011/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH 6 THÁNG ĐẦU NĂM, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 6 THÁNG CUỐI NĂM 2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHOÁ XIV - KỲ HỌP THỨ 2

(Từ ngày 13/7/2011 đến ngày 15/7/2011)

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Sau khi xem xét các báo cáo của UBND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố trình tại kỳ họp; báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND, ý kiến của Uỷ ban MTTQ Thành phố, ý kiến của các đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và thông qua nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2011 của Thành phố Hà Nội như báo cáo của UBND Thành phố trình.

HĐND Thành phố nhấn mạnh: trong 6 tháng cuối năm 2011, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô cần phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cả năm, trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, cần tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.Ưu tiên tín dụng, tạo thuận lợi cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ và hàng xuất khẩu.

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định và có biện pháp tăng cường các nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Thực hiện các biện pháp để điều chỉnh cơ cấu đầu tư xã hội hướng vào nâng cao chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng; chú trọng đầu tư để nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường.

- Phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức các phiên chợ hàng Việt; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

- Tăng cường đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao (công nhân lành nghề, nhà quản lý) cho doanh nghiệp.

- Chuẩn bị đủ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ cây trồng cho vụ mùa và vụ đông xuân. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, giám sát dịch bệnh.

2. Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

- Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, sở, ngành. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm chấp hành đúng các quy định về quản lý tiền tệ, tín dụng.

- Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu.Tăng cường chống buôn lậu; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về đăng ký, kê khai, niêm yết giá. Kiểm soát chặt chẽ các loại phí, lệ phí và xử lý nghiêm các vi phạm. Nâng cao hiệu quả bình ổn giá của Thành phố; tăng thêm các điểm bán hàng bình ổn giá ở nông thôn, các khu vực xa trung tâm. Rà soát, mở rộng mạng lưới và nâng cao tính hiệu quả của hệ thống cửa hàng bán lẻ, các quầy hàng trong chợ dân sinh.

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách; đảm bảo tiến độ, chất lượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

- Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp an sinh xã hội theo các chương trình, dự án, kế hoạch đã được duyệt; kế hoạch giảm nghèo theo chuẩn mới ban hành; các quy định hỗ trợ đối tượng chính sách, người có công, dân tộc, vùng xa trung tâm, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện Luật lao động, chế độ tiền lương và phúc lợi đối với người lao động ; kịp thời phối hợp với doanh nghiệp giải quyết những khó khăn cho công nhân, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung, không để xảy ra đình công, lãn công. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập Ủy ban quan hệ lao động.

3. Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể dục, thể thao

- Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang.

- Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản. Phát huy giá trị và sử dụng hiệu quả các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện tốt công tác tuyển sinh. Rà soát nhu cầu, có giải pháp giảm tải cho các trường học bậc mầm non, tiểu học trong năm học mới ở một số khu vực. Hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch năm đề ra.

- Tiếp tục đổi mới công tác quản lý hoạt động khoa học, công nghệ, tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ của các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp.

- Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc, giá thuốc chữa bệnh.

- Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao, tăng cường đầu tư cho các hoạt động thể thao thành tích cao.

[...]