Nghị quyết 05/2003/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại do Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 05/2003/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 31/07/2003
Ngày có hiệu lực 09/09/2003
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Hiện
Lĩnh vực Thương mại,Thủ tục Tố tụng

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2003/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2003

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 05/2003/NQ-HĐTP NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 02 nam 2003 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh);
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam;

QUYẾT NGHỊ:

1. Phân biệt thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại giữa Trọng tài thương mại và Toà án nhân dân

1.1. Theo quy định lại Điều 1, Điều 3 và Điều 5 Pháp lệnh thì Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thoả thuận trọng tài; do đó, khi có người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại thì Toà án yêu cầu người khởi kiện cho biết trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Đồng thời Toà án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện để xác định vụ tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không.

Nếu có căn cứ cho thấy vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài thì Toà án căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tố tụng để trả lại đơn kiện cho người khởi kiện.

Trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án toà án mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài, thì Toà án căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tố tụng ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện cho đương sự.

1.2. Trong các trường hợp sau đây, vụ tranh chấp tuy các bên có thoả thuận trọng tài, nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân:

a. Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh;

Khi xem xét thoả thuận trọng tài có vô hiệu hay không cần chú ý một số trường hợp sau đây:

a.1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh về nguyên tắc chung nếu người ký thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật thì thoả thuận trọng tài đó vô hiệu. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp mà một bên có yêu cầu Toà án giải quyết, thì Toà án yêu cầu người có thẩm quyền ký kết thoả thuận trọng tài cho biết ý kiến bằng văn bản có chấp nhận thoả thuận trọng tài do người không có thẩm quyền ký kết trước đó hay không. Nếu họ chấp nhận thì trong trường hợp này thoả thuận trọng tài không vô hiệu và vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài theo thủ tục chung.

a.2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh, thì theo quy định của Bộ luật Dân sự người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; do đó, để chứng minh người ký thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Toà án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

a.3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh, là trường hợp nếu theo thoả thuận trọng tài thì không thể xác định được đối tượng tranh chấp cụ thể là gì hoặc không thể xác định được Hội đồng Trọng tài nào, Trung tâm Trọng tài nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này, nếu sau đó các bên không có thoả thuận hoặc không thoả thuận bổ sung được về việc xác định đối tượng tranh chấp cụ thể hoặc Hội đồng Trọng tài cụ thể nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.

Ví dụ: Trong thoả thuận trọng tài các bên chỉ thoả tuận: "'Trong trường hợp có tranh chấp nếu không giải quyết được bằng thương lượng thì yêu cầu Trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam". Trong trường hợp này thoả thuận trọng tài là vô hiệu bởi vì các bên không thoả thuận rõ việc giải quyết vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài các bên thành lập hay do Trọng tài viên duy nhất hay do Hội đồng trọng tài của một Trung tâm trọng tài cụ thể của Việt Nam, trừ trường hợp sau đó các bên có thoả thuận bổ sung về việc xác định Hội đồng trọng tài cụ thể của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.

b. Khi được nguyên đơn cho biết bằng văn bản sẽ khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết hoặc khi được Toà án thông báo về việc nguyên đơn đã nộp đơn kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ tranh chấp mà trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của nguyên đơn hoặc thông báo của Toà án bị đơn không phản đối (được coi là các bên có thoả thuận mới lựa chọn Toà án giải quyết vụ tranh chấp thay cho thoả thuận trọng tài) hoặc bị đơn có phản đối nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh là trước đó các bên đã có thoả thuận trọng tài (trường hợp này được coi là không có thoả thuận trọng tài);

c. Có quyết định của Toà án huỷ quyết định trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác.

2. Toà án chỉ định Trọng tài viên trong trường hợp các bên thoả thuận giải quyết vụ tranh chấp tại Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập

2.1. Các trường hợp Toà án chỉ định trọng tài viên.

Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh thì Toà án thực hiện việc chỉ định Trọng tài viên trong các trường hợp sau đây:

a. Hết thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nguyên đơn gửi đơn kiện cho bị đơn mà bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình chọn, nếu nguyên đơn có yêu cầu thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Toà án cấp tỉnh) nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn;

b. Trong trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, khi hết thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, mà các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, nếu nguyên đơn có yêu cầu thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi có trụ sở hoặc cư trú của một trong các bị đơn giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn.

Trong trường hợp vì do nguyên đơn có yêu cầu mà nhiều toà án đều ra quyết định chỉ định Trọng tài viên, thì lấy quyết định chỉ định Trọng tài viên của Toà án do nguyên đơn lựa chọn. Tuy nhiên, trong trường hợp này nguyên đơn vẫn phải chịu lệ phí về yêu cầu Toà án chỉ định Trọng tài viên tại tất cả các Toà án mà nguyên đơn có yêu cầu;

c. Hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hai Trọng tài viên được chọn hoặc được Toà án chỉ định mà hai Trọng tài viên này không chọn được Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài, nếu các bên có yêu cầu thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài;

d. Các bên thoả thuận vụ tranh chấp do Trọng tài viên duy nhất giải quyết, nhưng không chọn được Trọng tài viên duy nhất, nếu một bên có yêu cầu thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên duy nhất cho các bên.

2.2. Đơn yêu cầu Toà án chỉ định trọng tài viên.

Người có yêu cầu Toà án chỉ định Trọng tài viên phải làm đơn yêu cầu.

[...]