Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐND phê duyệt Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015
Số hiệu | 04/2012/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 30/03/2012 |
Ngày có hiệu lực | 09/04/2012 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Yên Bái |
Người ký | Dương Văn Thống |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2012/NQ-HĐND |
Yên Bái, ngày 30 tháng 3 năm 2012 |
NGHỊ QUYẾT
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2012-2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHOÁ XVII - KỲ HỌP THỨ 4 (CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015;
Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ - CP ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII về chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.
Sau khi xem xét Tờ trình số 25/TTr - UBND ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc đề nghị ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012-2015; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 – 2015, với nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu của đề án
a) Mục tiêu tổng quát
Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; từng bước tạo điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, trước hết là khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã nghèo, huyện nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp và vùng cao, giữa thành thị và nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững ở vùng nông thôn và các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Gắn giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới.
b) Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 4%; riêng năm 2012 giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%. Phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 17,5%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 4,5%;
- Bảo đảm nguồn lực, thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo; 100 % số hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất được xét duyệt cho vay; 100 % người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí; 50 % người cận nghèo tham gia mua bảo hiểm y tế; 100 % đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ học tập được thực hiện đầy đủ; 100 % hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo qui định; thực hiện tốt các chính sách khác liên quan đến hộ nghèo, người nghèo, người có thu nhập thấp;
- Phấn đấu số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên 11.100 lao động/năm, trong đó lao động nghèo chiếm 30%; phấn đấu số lượt người được chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp bình quân 65.000 lượt người/năm.
2. Giải pháp thực hiện
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, huy động tối đa các nguồn lực cũng như trong tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá chương trình;
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
b) Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đúng đối tượng để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo;
c) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo hiện hành nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo;
d) Đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành, thống nhất chương trình. Kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp để triển khai trên địa bàn; cơ quan thường trực là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, bố trí bộ phận giúp việc theo dõi, tham mưu, điều phối thống nhất các hoạt động của chương trình;
đ) Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, để giúp cán bộ có thêm kinh nghiệm làm công tác giảm nghèo;
e) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo;
Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
3. Nguồn vốn thực hiện Đề án
a) Tổng nguồn vốn dự toán: 5.835,311 tỷ đồng;