Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND sửa đổi Điều 1 Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐND thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020

Số hiệu 02/2018/NQ-HĐND
Ngày ban hành 13/07/2018
Ngày có hiệu lực 23/07/2018
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Bùi Thị Quỳnh Vân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2018/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG TẠI ĐIỀU 1 NGHỊ QUYẾT SỐ 01/2015/NQ-HĐND NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2015 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2015-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 59/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2015/NQ-HĐND ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015-2020 như sau:

1. Điểm b khoản 1, Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4%/năm;

Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 85 triệu đồng. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 chiếm 45%.

Phát triển lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2015 và 52% giai đoạn 2016-2020; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 206.000 tấn/năm; cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có công suất nhỏ dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng dần số tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ.

Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; có trên 50% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch.”

2. Điểm c khoản 1 Điều 1 được bổ sung như sau:

“- Cơ cấu lại theo lĩnh vực sản phẩm:

+ Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia: Thịt heo, thịt gia cầm.

+ Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: tập trung vào nhóm sản phẩm có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn như: mì, mía, lạc, ngô, cây lúa, chú trọng phát triển lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau an toàn, bò thịt, tôm nuôi, gỗ nguyên liệu chế biến sâu.

+ Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương: tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, Chè Minh Long, heo Ki, gà H’re… và các sản phẩm đặc sản khác của từng địa phương.

- Cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng:

+ Khu vực miền núi: Bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn. Chú trọng phát triển mạnh trồng rừng cây gỗ lớn; phát triển cây mía, cây mì nguyên liệu, các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển trâu thịt, các loại vật nuôi đặc sản bản địa; phát triển nuôi thủy sản trên các hồ, đập thủy lợi gắn với tái tạo và bảo tồn đa dạng sinh học.

+ Khu vực đồng bằng: Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ; rau an toàn, cây lạc, cây ăn quả. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản theo lợi thế của địa phương. Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

+ Vùng ven biển: Phát triển nuôi thủy sản nước lợ ở khu vực cửa sông, cửa biển; nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học vùng ven biển gắn với bảo vệ tốt môi trường nuôi thủy sản.

+ Vùng hải đảo: Phát triển cây tỏi Lý Sơn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đầu tư phát triển nuôi thâm canh các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học để bảo vệ các loài thủy sản ven biển, hải đảo; chú trọng tái tạo nguồn lợi thủy sản Khu Bảo tồn biển Lý Sơn với các đối tượng như: Hải sâm, bào ngư, trai tai tượng khổng lồ, cầu gai, cua Huỳnh đế…”

3. Điểm a khoản 2 Điều 1 được sửa đổi như sau:

“- Nhóm cây lương thực:

+ Cây lúa: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa 71.800 ha (diện tích đất chuyên trồng lúa 35.500 ha), năng suất bình quân đạt 59-60 tạ/ha, sản lượng đạt từ 420.000 - 430.000 tấn. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 5.000 ha tập trung ở 7 huyện, thành phố ở đồng bằng, gồm: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi. Xây dựng vùng sản xuất lúa giống: đảm bảo đáp ứng khoảng 90% nhu cầu lúa giống/năm phục vụ sản xuất trong tỉnh và đảm bảo nguồn giống dự phòng khi có thiên tai. Xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao ở các vùng có điều kiện thuận lợi.

[...]