Nghị quyết số 02/2005/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2005 do Chính Phủ ban hành

Số hiệu 02/2005/NQ-CP
Ngày ban hành 03/02/2005
Ngày có hiệu lực 02/03/2005
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2005/NQ-CP

Hà Nội , ngày 03 tháng 2 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 02/2005/NQ-CP NGÀY 03 THÁNG 02 NĂM 2005 VỀ PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ THÁNG 01 NĂM 2005

Trong ba ngày 26, 27 và 28 tháng 01 năm 2005, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2004 và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2005, Chương trình thanh tra công vụ năm 2005 của Chính phủ; nghe Tổng Thanh tra Chính phủ trình Chương trình công tác phòng ngừa, chống tham nhũng năm 2005 của Chính phủ; nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2005.

Cải cách hành chính luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ những năm gần đây. Trong năm 2004, Chính phủ đã làm được nhiều việc đạt kết quả tốt, tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2010. Tuy nhiên, so với kế hoạch và đòi hỏi gấp rút của thực tế, công tác cải cách hành chính vẫn còn chậm, hiệu quả chưa rõ nét. Năm 2005, Chính phủ quyết tâm thực hiện bằng được những nhiệm vụ lớn của Kế hoạch Cải cách hành chính, đó là: rà soát các cơ chế chính sách và thủ tục, giấy tờ hành chính; tiếp tục mở rộng thực hiện và thực hiện có hiệu quả hơn cơ chế ''một cửa''; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ công, trước hết tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa và thể thao; triển khai cải cách tiền lương; chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật hành chính; xây dựng và thực hiện đề án thanh tra công vụ nhằm đưa công tác thanh tra công vụ thành một công tác thường xuyên, có tính đột phá để chấn chỉnh những yếu kém của bộ máy hành chính. Trọng tâm của cải cách hành chính năm 2005 là tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ của cơ quan hành chính với dân và doanh nghiệp theo tinh thần loại bỏ các thủ tục không cần thiết, giảm mạnh xin - cho; những thủ tục còn cần thì phải cố gắng đơn giản hoá, dễ hiểu, dễ làm để cho dân và doanh nghiệp thực hiện. Các quy định về các thủ tục, giấy tờ cần có đối với từng loại công việc phải được công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết nơi công sở. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị tuỳ tiện đề ra các thủ tục ngoài những quy định đã được công bố.

Về chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: năm 2005, Chính phủ sẽ tập trung triển khai 3 nội dung chính trong công tác phòng, chống tham nhũng, đó là: rà soát để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế - tài chính, quản lý tài sản công, các quy định về đầu tư xây dựng, đấu thầu, thiết lập nền tảng bước đầu việc thực hiện minh bạch hoá tài sản của cán bộ, công chức; xây dựng văn hoá lãnh đạo và quản lý, tăng cường dân chủ; kiện toàn cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước, quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền về nhà, đất, cấp phép xây dựng. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan và địa phương gương mẫu đi đầu trong việc chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, trước tiên là trong xây dựng trụ sở và nhà công vụ, mua sắm và sử dụng xe ô tô, chi tiêu hành chính theo đúng chế độ chính sách tài chính.

Sau phiên họp, Chính phủ sẽ có các nghị quyết riêng về công tác cải cách hành chính, thanh tra công vụ, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, đồng thời, trong Nghị quyết số 01/2005/NQ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2005 về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2005, Chính phủ cũng đã cụ thể hoá nhiều giải pháp về các nội dung trên, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và nghiêm túc thực hiện.

Để thực hiện các Nghị quyết trên của Chính phủ, tạo được những đổi mới mạnh mẽ trong cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp trong xây dựng kế hoạch cụ thể và trực tiếp chỉ đạo thực hiện ở bộ, ngành, địa phương mình; phải lắng nghe được ý kiến của dân, nhất là ý kiến của các tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, hiệp hội... đồng thời tạo điều kiện phát huy vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phát hiện những sai phạm, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, dự thảo một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về Kế hoạch cải cách hành chính và thanh tra công vụ năm 2005 của Chính phủ; đồng thời, nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về Thanh tra công vụ trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2005.

Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2005. Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng, trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp giữa năm và thông qua vào cuối năm 2005, trên tinh thần "phòng" là chủ yếu, "chống" phải kiên quyết; mọi việc phải được công khai, minh bạch, đội ngũ cán bộ phải ngày càng trong sạch vững mạnh.

Giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chế độ mua sắm và quy chế sử dụng xe ô tô ở các doanh nghiệp nhà nước để tăng cường tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01/2005/NQ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2005 về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2005 của các bộ, ngành và địa phương, hàng tháng báo cáo Chính phủ.

2. Chính phủ đã xem xét dự án Luật Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Đây là lần thứ 2, Chính phủ thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân để tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ thống nhất chỉnh lý một số nội dung trong dự án Luật theo hướng sau:

- Quy định cụ thể, tách bạch, nhưng có tính bao quát nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng trong Công an nhân dân.

- Về tổ chức, xác định rõ trong Bộ Công an có 2 lực lượng là An ninh và Cảnh sát; làm rõ hơn vị trí pháp lý của các đồn, trạm Công an; giao các trường giáo dưỡng về địa phương quản lý; chưa quy định Sở Phòng cháy, chữa cháy vào Luật; đối với công an xã, thực hiện theo quy định hiện hành.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Công an nhân dân trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

3. Chính phủ nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trình dự án Luật Du lịch; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Pháp lệnh Du lịch qua 5 năm thực hiện đã có những tác động tích cực đối với hoạt động du lịch, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nhân dân ở những vùng có tiềm năng phát triển du lịch. Nhưng để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với xu thế hội nhập, các cam kết quốc tế và các văn bản pháp luật liên quan, Pháp lệnh Du lịch cần được sửa đổi và nâng cao hơn về giá trị pháp lý.

Giao Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

4. Chính phủ đã xem xét dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 1993 đã tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta: nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Nhưng một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường còn chưa có tính khả thi cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng như thực hiện các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam ký kết và tham gia... Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường lần này cần bảo đảm tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn trong nước, kế thừa được ưu điểm của Luật hiện hành và thể chế hoá được quan điểm ''phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường'' nêu trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

6. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua năm 1996 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, qua 8 năm thực hiện, một số quy định của Luật đã thể hiện những hạn chế trong công tác quản lý, trong chính sách phát triển đầu tư, trong phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, trong khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản..., đòi hỏi cần được sửa đổi một cách kịp thời để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

[...]