Nghị quyết số 03/2005/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 do Chính Phủ ban hành
Số hiệu | 03/2005/NQ-CP |
Ngày ban hành | 08/03/2005 |
Ngày có hiệu lực | 30/03/2005 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2005/NQ-CP |
Hà Nội , ngày 08 tháng 3 năm 2005 |
Trong hai ngày 02 và 03 tháng 3 năm 2005, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 02, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:
Chương trình xây dựng pháp luật năm 2005 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 35/2004/QH11 ngày 25/11/2004, nhưng đến nay so với thực tiễn của quá trình đàm phán gia nhập WTO, Chính phủ nhận thấy có một số nội dung cần phải trình Quốc hội cho phép điều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ.
Chương trình xây dựng pháp luật chi tiết và có tính khả thi cao là thể hiện sự quyết tâm gia nhập WTO của nước ta. Chính phủ giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh báo cáo; Bộ trưởng Bộ Thương mại thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Việc điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với quy định của WTO là một công việc khó khăn, cần sự đầu tư nhiều về trí tuệ, công sức và đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhiều cấp, nhiều ngành. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải lựa chọn những nội dung cần ưu tiên điều chỉnh, chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp thích hợp, bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản.
Những năm gần đây, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ quyền, nghĩa vụ, đạo đức phẩm chất và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Trong công tác cải cách hành chính Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp tổ chức thanh tra công vụ để kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm nên đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức về ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, cửa quyền; lợi dụng chức, quyền, vị trí công tác để trục lợi cá nhân, xâm hại đến lợi ích Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của nhân dân, của doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.
Để nâng cao trách nhiệm và phòng ngừa vi phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng giải pháp về hoạt động thanh tra công vụ. Thanh tra công vụ là công cụ quan trọng thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, giáo dục và quản lý cán bộ, công chức; làm cho bộ máy Nhà nước hoạt động thật sự kỷ cương, trong sạch, hiệu lực và hiệu quả.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp; lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh và nghị định hướng dẫn thực thi quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Bộ Luật Dân sự. Các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã từng bước tương thích với chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần làm cho hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta ngày càng có nền nếp. Tuy nhiên, hệ thống các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn rải rác, tản mạn trong nhiều văn bản và phần lớn là các văn bản dưới luật, hiệu lực thi hành thấp; nhiều nội dung còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, đã gây khó khăn khi vận dụng và xử lý vi phạm. Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu và uy tín nước ta trên trường quốc tế.
Việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra khung pháp lý chuyên ngành hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, tương thích với chuẩn mực quốc tế, khắc phục các vướng mắc, bất cập nói trên; đáp ứng yêu cầu về xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm sự đồng bộ, không chồng chéo với Bộ Luật Dân sự, Luật Cạnh tranh và các luật khác; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Trong những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo khung pháp lý về quyền sở hữu, kế thừa hợp pháp; quyền có nhà ở và bất khả xâm phạm về nhà ở; quyền lợi của người thuê nhà, người có nhà cho thuê; trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức trong việc phát triển quỹ nhà, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân. Nhờ đó, điều kiện về nhà ở những năm qua đã có bước cải thiện nhất định. Số dự án đầu tư xây dựng nhà để cho thuê, để bán của các thành phần kinh tế ngày càng tăng. Chính sách mua bán, chuyển nhượng, thủ tục cấp phép xây dựng nhà ở ngày càng thông thoáng đã tạo thuận lợi cơ bản cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân, tạo ra những thay đổi lớn về diện mạo đô thị và nông thôn nước ta, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nền kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Chính sách ưu đãi về nhà ở của Nhà nước, phong trào vận động xây "nhà tình thương", "nhà tình nghĩa", "xoá nhà tạm" của các đoàn thể và nhân dân đã góp phần quan trọng giải quyết khó khăn về nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở vẫn chưa đồng bộ; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và công dân trong quản lý và phát triển nhà ở chưa rõ ràng; quỹ nhà ở còn thấp so với nhu cầu. Tình trạng đầu cơ đã tạo nên những cơn sốt giá nhà, giá đất đột biến, giả tạo, khó kiểm soát. Việc lấn chiếm đất, xây nhà không phép, sai phép, gây mất trật tự trong xây dựng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan đô thị xảy ra phổ biến.
Việc xây dựng Luật Nhà ở nhằm thể chế hoá các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề nhà ở, huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước phát triển nhanh quỹ nhà ở, đa dạng hoá các hình thức giải quyết nhà ở, bảo đảm các chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hoạt động và phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật, góp phần lành mạnh thị trường bất động sản nhà ở, tăng cường hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về nhà ở, bảo đảm hội nhập quốc tế. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật Nhà ở, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng năm 2000 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, góp phần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, cơ quan báo chí và động viên nhân dân tích cực tham gia đẩy lùi tham nhũng. Nhiều vụ tham nhũng có quy mô lớn và mức độ tinh vi khác nhau đã bị phát hiện, xử lý. Một phần đáng kể tài sản bị tham nhũng đã được thu hồi trả lại Nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, Pháp lệnh Chống tham nhũng đang bộc lộ nhiều bất cập, chưa bao quát hết phạm vi cần điều chỉnh. Trách nhiệm giữa các cơ quan về phòng, chống tham nhũng chưa rõ, thiếu cơ chế phối hợp. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Luật Phòng, chống tham nhũng phải được xây dựng trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta từ khi có Pháp lệnh Chống tham nhũng đến nay. Luật phải rõ ràng và giới hạn về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm tính khả thi cao, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác và phù hợp với thực tiễn nước ta trong giai đoạn hiện nay. Việc chống các hành vi lợi dụng quyền hạn, vị trí công tác để vụ lợi, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, tập thể và cá nhân cần được quy định rõ ràng, cụ thể, phù hợp với Hiến pháp và các nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước và cải cách hành chính; góp phần tăng cường kỷ cương phép nước và làm cho bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Việc chống tham nhũng phải lấy phòng ngừa là chủ yếu, vì vậy, phải xác định rõ các công việc cần công khai, minh bạch, nhất là trong những lĩnh vực như: sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, thu chi của doanh nghiệp Nhà nước, quản lý và sử dụng viện trợ; đồng thời phải chú trọng nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng.
Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, nghiên cứu kỹ hơn để tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, trình Chính phủ xem xét.
Những năm qua, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã góp phần đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhập khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo hộ hợp lý, kịp thời đối với sản xuất trong nước và góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định trong luật không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới, cần phải sửa đổi theo hướng bảo đảm thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, khuyến khích tối đa xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh và hiện đại hoá công tác quản lý thuế và hải quan.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.