Nghị quyết 67/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 67/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2016
Ngày có hiệu lực 09/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Phạm Văn Hiểu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Xét Tờ trình số 138/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thông qua Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, với quan điểm và mục tiêu chủ yếu như sau:

1. Quan điểm

a) Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững; hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng, bao gồm: vùng lúa giống chất lượng cao, vùng chuyên canh lúa thương phẩm liên kết theo cánh đồng lớn, vùng vành đai sản xuất lương thực thực phẩm quanh đô thị ứng dụng công nghệ cao, vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch sinh thái, vùng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và nuôi trồng thủy sản tập trung.

b) Phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp, nông thôn thành phố theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa các nông sản chủ lực (lúa, trái cây, thủy sản, chăn nuôi) và sản phẩm ngành nghề nông thôn, hướng mạnh vào xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó kết hợp với các viện trường tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao cho vùng; đẩy mạnh đầu tư 03 (ba) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị.

c) Phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế hộ cá thể theo hướng trang trại, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp, nâng cao vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long.

d) Nâng cao hiệu quả kinh tế trên 01 ha đất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho kinh tế hộ nông dân, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp và nông thôn, thực hiện giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn.

đ) Phát triển nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định xã hội và phát triển bền vững môi trường nông thôn.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa;

- Xây dựng ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Xây dựng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố và cung ứng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực tại địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn 2016 - 2020

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân từ 3,5%/năm trở lên;

+ Cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2020: Nông nghiệp (67,1%) - lâm nghiệp (0,2%) - thủy sản (32,7%); cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp: trồng trọt (74,5%) - chăn nuôi (17,3%) - dịch vụ nông nghiệp (trên 8,2%);

+ Giá trị sản lượng trên 1 ha đất nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 115 triệu đồng và theo giá thực tế đạt 200 triệu đồng;

+ Cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp (năm 2020) đạt từ 30% - 35%:

+ Tỷ lệ tăng vốn đầu tư trong nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình 17%/năm;

[...]