Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự năm 1999 do Toà án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01/2001/NQ-HĐTP
Ngày ban hành 15/03/2001
Ngày có hiệu lực 10/05/2001
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký Trịnh Hồng Dương
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2001/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2001

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA CÁC ĐIỀU 139, 193, 194, 278, 279 VÀ 289 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Điều 20 và Điều 21 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung ngày 28-12-1993 và ngày 28-10-1995);
Để áp dụng đúng và thống nhất các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999 và có hiệu lực từ ngày 01-7-2000;

QUYẾT NGHỊ:

Hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999 (sau đây viết tắt là Bộ luật hình sự) như sau:

1. Khi áp dụng các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 BLHS để quyết định hình phạt, về nguyên tắc chung Toà án phải căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2. Khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần chú ý:

2.1. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (sau đây gọi tắt là tình tiết tăng nặng) và không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (sau đây gọi tắt là tình tiết giảm nhẹ) hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với giá trị tài sản bị chiếm đoạt như sau:

a. Xử phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

b. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng đến dưới bốn tỷ năm trăm triệu đồng;

c. Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ bốn tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

2.2. Trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà không có tình tiết tăng nặng hoặc có ít tình tiết tăng nặng hơn, đồng thời đánh giá tính chất giảm nhẹ và tính chất tăng nặng xét thấy có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nhẹ hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 2.1 Mục 2 này như sau:

a. Xử phạt tù từ bảy năm đến dưới mười hai năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng (trường hợp này phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự);

b. Xử phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ năm trăm triêụ đồng đến dưới bốn tỷ năm trăm triệu đồng;

c. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ bốn tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

2.3. Trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn, đồng thời đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ xét thấy cần tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, thì có thể xử phạt người phạm tội mức án nặng hơn mức án được hướng dẫn tại tiểu mục 2.1 Mục 2 này như sau:

a. Xử phạt tù chung thân nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

b. Xử phạt tử hình nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

2.4. Trong trường hợp theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.3 Mục 2 này người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội), thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tuỳ vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.

Được coi là đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu:

a. Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt;

b. Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa).

3. Khi áp dụng khoản 4 Điều 193 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất trái phép chất ma tuý và khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý cần chú ý;

3.1. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với trọng lượng chất ma tuý như sau:

a. Xử phạt hai mươi năm tù nếu:

- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ 5 kilôgam đến dưới mười kilôgam;

- Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ