Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp

Số hiệu 96/2015/NĐ-CP
Ngày ban hành 19/10/2015
Ngày có hiệu lực 08/12/2015
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết Điều 10, Điều 44, Điều 189 và Điều 208 của Luật Doanh nghiệp.

2. Nghị định này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Luật Doanh nghiệp.

3. Quy định về con dấu trong Nghị định này áp dụng đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Tổ chức, đơn vị được thành lập theo các luật sau đây không áp dụng quy định về con dấu trong Nghị định này mà thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu:

a) Luật Công chứng;

b) Luật Luật sư;

c) Luật Giám định tư pháp;

d) Luật Kinh doanh bảo hiểm;

đ) Luật Chứng khoán;

e) Luật Hợp tác xã.

Điều 2. Chính sách phát triển đối với doanh nghiệp xã hội

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

2. Doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp xã hội thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định này.

Điều 3. Tiếp nhận viện trợ, tài trợ

1. Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

2. Ngoài các khoản viện trợ quy định tại Khoản 1 Điều này, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.

3. Trình tự, thủ tục tiếp nhận các khoản tài trợ quy định tại Khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Việc tiếp nhận tài trợ phải lập thành văn bản. Văn bản tiếp nhận tài trợ phải có các nội dung: Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ, yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ, họ, tên và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của các bên.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày văn bản tiếp nhận tài trợ được ký kết, doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ; kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.

4. Trường hợp nội dung văn bản tiếp nhận tài trợ quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này có thay đổi, doanh nghiệp xã hội phải thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về những nội dung thay đổi theo trình tự, thủ tục quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này.

Điều 4. Đăng ký doanh nghiệp xã hội

[...]