Nghị định 94-CP năm 1962 về phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

Số hiệu 94-CP
Ngày ban hành 27/08/1962
Ngày có hiệu lực 11/09/1962
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 94-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1962 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ VĂN HÓA DO ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 07 năm 1960,
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong ngày 10 tháng 03 năm 1962,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này những quy định về phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 2. -  Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh (kể cả các tỉnh thuộc khu tự trị), thành phố trực thuộc trung ương, khu Hồng Quảng và khu vực Vĩnh Linh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.  

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 

 
Lê Thanh Nghị

NHỮNG QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ VĂN HÓA CHO ỦY BAN HÀNH CHÍNH TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Miền Bắc nước ta đang đứng trước một nhiệm vụ to lớn: “Ra sức thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của công nghiệp, nhằm củng cố quan hệ sản xuất mới đẩy mạnh sản xuất phát triển, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và tăng cường củng cố quốc phòng”. (Trích nghị quyết hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng). Nhiệm vụ to lớn và nặng nề ấy đòi hỏi Nhà nước phải cải tiến và tăng cường công tác tổ chức, công tác quản lý kinh tế và văn hóa để động viên, khai thác triệt để và sử dụng hợp lý mọi lực lượng, mọi khả năng vào công cuộc xây dựng nước nhà. Do đó, việc phân cấp quản lý là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Đại hội lần thứ III của Đảng đã quyết nghị: “Trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Chính phủ trung ương, phải tiến hành từng bước việc phân cấp quản lý, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý công tác của địa phương hay của ngành mình”.

Trong việc tiến hành phân cấp quản lý, cần tính toán đến hoàn cảnh và điều kiện của miền Bắc nước ta. Nến kinh tế của ta hiện nay vẫn còn là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp mới bắt đầu phát triển, còn non yếu, khả năng tự cung cấp về thiết bị và nguyên liệu, vật liệu còn rất hạn chế, cán bộ kỹ thuật còn thiếu và yếu, trình độ quản lý kinh tế còn kém. Những đặc điểm trên đây đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Nhà nước trong việc quản lý kinh tế và văn hóa. Sự lãnh đạo tập trung thống nhất ấy có điều kiện thuận lợi là diện tích miền Bắc nước ta không lớn lắm, đường giao thông liên lạc có phần thuận tiện. Mặt khác, chúng ta cũng có những điều kiện thuận lợi để tiến hành phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương do công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã căn bản hoàn thành, nền kinh tế quốc dân phát triển với tốc độ nhanh và dần dần đi vào kế hoạch hóa có nề nếp.

Căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện như trên, để chấp hành Nghị quyết của Đảng, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nay quy định những nguyên tắc về phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa giữa Chính phủ trung ương với các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương như sau:

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Việc phân cấp quản lý giữa Chính phủ trung ương (Hội đồng Chính phủ, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ) với các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Chính phủ trung ương, đồng thời mở rộng một cách thích đáng nhiệm vụ và quyền hạn của các Ủy ban hành chính địa phương và các ngành của địa phương, phát huy tính tích cực, tính chủ động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương để đẩy mạnh công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống.

Trong việc tổ chức, quản lý kinh tế và văn hóa, quyền lãnh đạo tập trung đối với tất cả các địa phương thuộc về Chính phủ trung ương, quyền lãnh đạo tập trung trong mỗi tỉnh, thành phố thuộc về Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác của mình trước Hội đồng nhân dân địa phương và trước Hội đồng Chính phủ.

Điều 2. -  Quyền lãnh đạo tập trung thống nhất của Chính phủ trung ương thực hiện chủ yếu về mặt quản lý và chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước, quản lý kế hoạch và ngân sách Nhà nước. Chính phủ quy định các chính sách chế độ, thể lệ áp dụng chung cho các ngành, các địa phương, xét duyệt kế hoạch, ngân sách Nhà nước của các ngành, các địa phương, bảo đảm sự phát triển cân đối giữa các ngành kinh tế quốc dân.

Các Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp tổ chức, quản lý mọi hoạt động kinh tế, văn hóa của địa phương mình theo đúng các chính sách, chế độ, thể lệ đã được quy định, bảo đảm trong phạm vi trách nhiệm của mình, hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Hội đồng Chính phủ, các Bộ, các ngành ở trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ, thực hiện kế hoạch và ngân sách Nhà nước.

Điều 3. -  Việc phân quyền cho các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chủ yếu về mặt quản lý các hoạt động kinh tế và văn hóa, theo phương hướng như sau:

- Về nông nghiệp: Ủy ban hành chính địa phương chịu trách nhiệm lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong địa phương mình, trừ các nông trường mà hiện nay do Bộ chủ quản trực tiếp quản lý. Dưới sự chỉ đạo chung của Hội đồng Chính phủ và sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ của các Bộ các ngành ở trung ương, các Ủy ban hành chính địa phương lãnh đạo việc củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phát huy triệt để mọi khả năng của địa phương mình để phát triển sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước (yêu cầu về lương thực, thực phẩm của nhân dân địa phương và các chỉ tiêu thu mua của trung ương).

- Về công nghiệp và xây dựng cơ bản: Các Bộ, các ngành ở trung ương trực tiếp quản lý những xí nghiệp, những công trình có tính chất mấu chốt, quy mô lớn, đòi hỏi nhiều vốn, trình độ kỹ thuật cao, hoặc đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong phạm vi toàn ngành.

  Các Ủy ban hành chính địa phương tận dụng mọi khả năng của địa phương mình để phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp nhằm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, nhu cầu về vật phẩm tiêu dùng của nhân dân địa phương và một phần cho kế hoạch trung ương. Ủy ban hành chính địa phương xây dựng và quản lý những xí nghiệp, công trường của địa phương dưới sự chỉ đạo chung của Hội đồng Chính phủ và sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ và kế hoạch của các Bộ, các ngành ở trung ương.

Tùy theo điều kiện và khả năng của từng địa phương, và trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, các Bộ, các ngành chủ quản ở trung ương có thể giao cho Ủy ban hành chính địa phương quản lý một số xí nghiệp (kể cả xí nghiệp lâm nghiệp) thuộc Bộ, ngành mình xây dựng, bằng hai cách:

Hoặc giao hẳn xí nghiệp cho địa phương, sát nhập xí nghiệp đó vào công nghiệp địa phương.

[...]