Nghị định 86/2024/NĐ-CP về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái

Số hiệu 86/2024/NĐ-CP
Ngày ban hành 11/07/2024
Ngày có hiệu lực 11/07/2024
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Minh Khái
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/2024/-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2024

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ MỨC TRÍCH, PHƯƠNG PHÁP TRÍCH LẬP DỰ PHÒNG RỦI RO, VIỆC SỬ DỤNG DỰ PHÒNG ĐỂ XỬ LÝ RỦI RO TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI VÀ TRƯỜNG HỢP TỔ CHỨC TÍN DỤNG PHÂN BỔ LÃI PHẢI THU PHẢI THOÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về:

a) Mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng đối với các tài sản có quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này;

b) Trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 05 năm nhưng không quá 10 năm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 159 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Việc trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng tổn thất các khoản nợ phải thu khó đòi, trừ các khoản quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

3. Việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành để mua nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

4. Các khoản nợ mà Chính phủ có quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro khác với quy định tại Nghị định này thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định đó của Chính phủ.

5. Các khoản nợ mà Thủ tướng Chính phủ quyết định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quyết định đó của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Tổ chức tín dụng: Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tín dụng là hợp tác xã (ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân) và tổ chức tài chính vi mô.

2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài được áp dụng chính sách dự phòng rủi ro của ngân hàng nước ngoài quy định tại Điều 16 Nghị định này.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Rủi ro tín dụng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là rủi ro) là khả năng xảy ra tổn thất đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không có khả năng trả được một phần hoặc toàn bộ nợ của mình theo hợp đồng hoặc thỏa thuận (sau đây gọi là thỏa thuận) với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Tài sản có (sau đây gọi là nợ) của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh từ các hoạt động sau:

a) Cho vay;

b) Cho thuê tài chính;

c) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;

[...]