Thứ 7, Ngày 16/11/2024

Nghị định 744-NĐ năm 1957 về việc ấn định quy chế các trường và các lớp học phổ thông dân lập cấp 1 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

Số hiệu 744-NĐ
Ngày ban hành 03/08/1957
Ngày có hiệu lực 18/08/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Huyên
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 744-NĐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 1957 

 

NGHỊ ĐỊNH

ẤN ĐỊNH QUY CHẾ CÁC TRƯỜNG VÀ CÁC LỚP HỌC PHỔ THÔNG DÂN LẬP CẤP 1

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Chiếu sắc lệnh số 119-SL ngày 9-7-1946 tổ chức Bộ Giáo dục;
Căn cứ nghị định số 596-NĐ ngày 16-8-1956 ban hành quy chế trường phổ thông 10 năm;

Căn cứ nghị định số 1027-TTg ngày 27-8-1956 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách giáo dục phổ thông;
Căn cứ vào chỉ thị số 1003-TTg ngày 14-8-1956 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với thầy giáo;
Theo đề nghị của ông Giám đốc Nhà giáo dục phổ thông;
Sau khi đã y hiệp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và được Thủ tướng phủ chuẩn y.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Để đáp ứng dần dần yêu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân và để động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng các trường phổ thông đúng với đường lối chính sách giáo dục của Chính phủ, nay tạm thời ấn định quy chế các trường và các lớp học phổ thông dân lập cấp I như sau:

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 2. Trường dân lập là trường do nhân dân tự nguyện đứng ra xây dựng. Tất cả các kinh phí về việc thành lập và hoạt động của nhà trường đều do nhân dân đài thọ.

Điều 3. Các trường và lớp học phổ thông dân lập có thể tổ chức thành các trường và lớp học riêng, hoàn toàn do giáo viên dân lập phụ trách, hoặc thành các lớp dân lập ghép với những lớp quốc lập trong trường phổ thông cấp 1.

Điều 4. Cũng như các trường học phổ thông quốc lập, các trường và lớp phổ thông dân lập có những nhiệm vụ sau đây:

a- Thực hiện đúng đường lối chủ trương giáo dục của Chính phủ;

b- Thi hành quy chế của trường phổ thông;

c- Thi hành các chỉ thị và chịu sự lãnh đạo, kiểm tra của các cấp chính quyền và cơ quan giáo dục.

Điều 5. Ủy ban Hành chính và cơ quan giáo dục các cấp có trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra các trường phổ thông dân lập về mọi mặt tổ chức, nghiệp vụ, quản lý thu chi,…

Điều 6. Học sinh các trường và lớp phổ thông dân lập được hưởng mọi quyền lợi về học tập như học sinh các trường phổ thông quốc lập.

Chương 2:

THỂ LỆ MỞ TRƯỜNG DÂN LẬP

Điều 7. Muốn xin mở trường phổ thông dân lập tại một địa phương nào, phải có đủ những điều kiện sau đây:

a- Nhân dân địa phương yêu cầu mở trường và cử người ra đứng tên xin mở trường.

b- Nhân dân địa phương tình nguyện bảo đảm đã có đủ những điều kiện vật chất cần thiết để xây dựng trường lớp và để các trường lớp có thể hoạt động được, đảm nhiệm việc thu học phí và bảo đảm trả đủ thù lao cho giáo viên.

c- Có số học sinh tối thiểu để học ở trường, lớp định mở.

d- Có giáo viên có đủ điều kiện để được công nhận là giáo viên trường dân lập.

Điều 8. Đơn xin mở trường phổ thông dân lập phải nộp tại Ty Giáo dục tỉnh hoặc Sở Giáo dục thành phố và gồm có:

a) Một đơn của người được phụ huynh học sinh cử ra đứng tên xin mở trường, được Ủy ban Hành chính xã, thị xã, khu phố công nhận;

b) Một tờ khai tình hình trường sở, địa điểm định xây dựng trường, số lớp định mở, số giáo viên định tuyển, số học sinh có đủ điều kiện theo học từng lớp;

c) Hồ sơ tuyển dụng các giáo viên;

d) Một bản hợp đồng giữa giáo viên và tổ chức phụ huynh học sinh địa phương ghi mọi thỏa thuận giữa đôi bên, có chứng thực của Ủy ban Hành chính địa phương.

[...]