PHỦ
THỦ TƯỚNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1027-TTg
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 08 năm 1956
|
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA NƯỚC VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1:
Nay ban hành bản chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam dân chủ cộng
hoà kèm theo nghị định này.
Điều 2:
Ông bộ trưởng Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
|
K/T
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
ĐẠI TƯỚNG
Võ Nguyên Giáp
|
BẢN CHÍNH SÁCH
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG CỦA CHÍNH PHỦ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG
HÒA
Trong 10 năm qua, nền giáo dục
phổ thông của ta đã có nhiều tiến bộ. Trải qua những năm kháng chiến gian khổ, ở
vùng tự do cũ, các trường phổ thông 9 năm được thành lập và phát triển, nhất là
sau cải cách ruộng đất. Hoà bình được lập lại, sau khi Chính Phủ ta tiếp quản
vùng mới giải phóng, các trường trung học và tiểu học do đối phương để lại được
phục hồi nhanh chóng và hoạt động như thường.
Về số lượng, năm 1955 riêng ở miền
Bắc, số học sinh các cấp 1, 2 và 3 và tiểu, trung học đã ngót 65 vạn, và số học
sinh cấp 2, cấp 3 và trung học là 5,5 vạn. So với năm 1944 là năm giáo dục phát
triển khá nhất dưới thời thực dân, thì cấp 1 và tiểu học tăng gần 2 lần, và cấp
2, cấp 3 và trung học tăng gần 8 lần.
Về chất lượng, với cuộc cải cách
giáo dục năm 1950, trường phổ thông 9 năm đã ra đời và ngành giáo dục phổ thông
đã được thay đổi hẳn, từ tổ chức, nội dung cho đến phương pháp giảng dạy và do
đó đạo tạo được một lớp thanh niên mới yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, căm thù đế quốc
và phong kiến và tích cực tham gia kháng chiến. Sau khi hoà bình lặp lại một thời
gian, trường trung học và trường tiểu học, do đối phương để lại ở miền Bắc đã
áp dụng chương trình cải tiến và nhờ đó đã thu được một số kết quả đầu tiên.
Song tình hình và nhiệm vụ trong
giai đoạn mới đặt trước mắt ngành giáo dục cũng như các ngành khác những yêu cầu
mới. Hiện nay Chính phủ và Đảng đề ra cho nhân dân ta hai nhiệm vụ lớn: một là
cũng cố miền Bắc về mọi mặt; hai là tranh đấu thực hiện thống nhất, hoàn thành
độc lập và dân chủ trong cả nước. Củng cố miền Bắc là tạo cơ sở vững mạnh cho
cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà.
Đứng trước nhiệm vụ cách mạng trên
đây, ngành giáo dục nói chung và ngành giáo dục phổ thông nói riêng phải cung cấp
cán bộ có đủ tiêu chuẩn về số lượng và vật chất để phục vụ kế hoạch Nhà nước,
phải đào tạo một lớp người có đủ khả năng để củng cố miền Bắc về mọi mặt và
tham gia cuộc đấu tranh chính trị đặng thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở
độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình. Do đó, nền giáo dục phổ thông cần
phải được chấn chỉnh và chế độ giáo dục phổ thông phải được thống nhất, chấm dứt
tình trạng khác nhau giữa trường phổ thông 9 năm và trường tiểu học, trung học ở
vùng mới giải phóng hiện nay.
I. MỤC ĐÍCH,
NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG CHÂM CỦA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
1) Mục đích của giáo dục phổ
thông là dựa trên cơ sở tư tưởng Mác – Lênin, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ
thanh niên và thiếu nhi trở thành những người phát triển về mọi mặt, những công
dân tốt trung thành với Tổ Quốc, những người lao động tốt, cán bộ tốt, những
người chủ tương lai tốt của nước nhà, có tài, đức, để phát triển chế độ dân chủ
nhân dân và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời để thực hiện
thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ.
Đứng về yêu cầu cụ thể trước mắt
thì trường phổ thông phải cung cấp học sinh đủ số lượng và chất lượng để ra
tham gia phục vụ các công tác xây dựng nước nhà hoặc tiếp tục học lên cao để phục
vụ công cuộc kiến thiết về sau.
2) Để đạt mục đích giáo dục trên
đây, nhiệm vụ của trường phổ thông là phải tiến hành giáo dục cho thanh
niên và thiếu nhi về cả bốn mặt: trí dục, đức dục, thể dục và mỹ dục.
- về trí dục: phải dạy
cho học sinh những kiến thức khoa học cơ bản, có hệ thống và dựa trên cơ sở đó
mà giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng, phát triển năng lực nhận thức,
năng lực sáng tạo (óc xem xét, suy nghĩ, trí nhớ, trí tưởng tượng …) của học
sinh, làm cho họ có thể tự mình thu nhận những kiến thức mới và áp dụng kiến thức
vào hoạt động thực tế.
- về đức dục: phải
giáo dục cho học sinh năm điều yêu mà Hồ Chủ Tịch đã dạy là: yêu Tổ Quốc, yêu
nhân dân, yêu lao động, yêu khoa khọc, yêu trọng của công và kết hợp vào đó là
trau dồi kỷ luật tự giác, tinh thần tập thể, ý chí và tính cách con người mới:
kiên nhẫn, dũng cảm, kiên quyết khắc phục khó khăn,thành thật, khiêm tốn,…
- về thể dục: phải dạy
cho học sinh giữ vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ, rèn luyện thân thể, phát triển thể lực
để chuẩn bị tham gia các công tác lao động sản xuất và bảo vệ Tổ Quốc, củng cố
hoà bình.
- về mỹ dục: phải làm cho
học sinh biết cái đẹp trong thiên nhiên và xã hội, phát triển mỹ cảm, năng lực
sáng tạo nghệ thuật, làm cho học sinh hiểu được, đánh giá được và thể hiện được
cái đẹp trong đời sống, do đó tăng thêm lòng yêu thiên nhiên, yêu non sông Tổ
quốc, yêu đới sống, luôn luôn có tinh thần lạc quan cách mạng.
Trường phổ thông phải phát triển
và giáo dục toàn diện: đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục liên quan mật thiết
với nhau, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Bốn mặt này cần phải phát triển cân đối,
không thể coi nặng mặt này, coi nhẹ mặt kia: phải tuỳ từng đối tượng học sinh,
tuỳ những trường hợp cụ thể mà uốn nắn, giáo dục cho đạt được toàn diện. Trong
khi nhận định trí dục là cơ sở của giáo dục toàn diện, thì không thể vì thế mà
cho trí dục là tất cả mà coi nhẹ đức dục, thể dục, mỹ dục. Căn cứ tình hình chất
lượng giáo dục hiện nay, trường phổ thông cần phải tăng cường giáo dục tư tưởng
và giáo dục đạo đức trên cơ sở coi trọng việc giảng dạy trí thức có hệ thống, đồng
thời chú ý giáo dục vệ sinh, thể dục.
3) Phương châm giáo dục
phổ thông cũng như giáo dục nói chung là liên lệ lý luận với thực tiễn, gắn chặt
nhà trường với đời sống xã hội. Toàn bộ công tác giáo dục phải phục tùng đường
lối chính trị của Chính Phủ dân chủ công hoà Việt Nam và Đảng lao động Việt Nam
đáp ứng đúng những yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng nước nhà và đấu tranh chính trị
thắng lợi.
Một nền giáo dục phổ thông tốt
là làm cho học sinh phát triển cân đối toàn diện, cố gắng làm cho cấp 2 và cấp
3 phát triển một cách tương đương để sữa chữa tình trạng của một nền giáo dục
phổ thông hiện nay là bên dưới phình ra mà bên trên thì hoắt lại.
II. QUY CHẾ
TRƯỜNG PHỔ THÔNG MỚI
Trường phổ thông 9 năm, được thử
thách trong kháng chiến đã tỏ rõ hiệu lực và sự tiến bộ của nó. Vậy phải trên
cơ sở của trường phổ thông 9 năm mà xây dựng một hệ thống mới phù hợp với mục
đích, nhiệm vụ giáo dục phổ thông nói trên. Đó là hệ thống trường phổ thông mới
với quy chế sau đây:
1) Thời hạn học:
Hệ thống phổ thông chia làm 3 cấp
với một thời hạn học là 10 năm:
- cấp 1: 4 năm, từ lớp 1 đến lớp
4
- cấp 2: 3 năm, từ lớp 5 đến lớp
7
- cấp 3: 3 năm, từ lớp 8 đến lớp
10
Riêng đối với miền núi, vì tình hình
có khác, cho nên thời hạn học ở cấp 1 miền núi là 5 năm.
Trước khi vào lớp 1, trẻ em phải
trải qua một lớp vỡ lòng.
2) Biên chế năm học:
Năm học phổ thông gồm 9 tháng,
chia ra làm từng học kỳ để việc học đỡ căng thẳng và tiện việc ôn tập, tổng kết
kinh nghiệm.
Niên học khai giảng ngày 1-9 năm
trước và kết thúc ngày 31-5 năm sau, như vậy để phù hợp với niên học ở các nước,
tiện cho học sinh đi học nước ngoài để học sinh được nghỉ hè vào những tháng
nóng nhất (6, 7, 8)
3) Hạn tuổi:
Học sinh muốn được học lớp 1, ít
nhất phải đủ 7 tuổi, học lớp 2 phải đủ 8 tuổi, lớp 3 đủ 9 tuổi, … tính đến ngày
1-9 năm xin học.
- Hạn tuổi tối đa cho mỗi lớp là
tuổi ít nhất cộng thêm 4 tuổi.
- Nữ sinh so với nam sinh được
gia hạn tuổi một năm; học sinh miền núi thì được gia hạn tuổi hai năm.
4) Chế độ dạy, học và thi:
a) Dạy: việc giảng dạy do
thầy giáo phụ trách dưới hình thức chủ yếu là lên lớp giảng bài. Ngoài ra thỉnh
thoảng cũng có thể đưa học trò đi tham quan và giảng tại chỗ. Mục đích giảng dạy
là làm cho học sinh hiểu nhau, nhớ lâu và tiến bộ nhanh.
Giờ lên lớp được tôn trọng.
Tất cả những hình thức đánh đập,
xỉ nhục học trò đều bị coi là phi pháp.
b)Học: học trò đi học thì
lên lớp học là chính. Ngoài giờ nghe giảng ở trường thì cá nhân học tập, nghiên
cứu là chính.
c)Thi: thi là một hình thức
kiểm soát kết quả một thời kỳ học tập của học sinh và xác nhận sức học của học
sinh sau thời kỳ ấy. Đồng thời thi là một cách báo cáo công tác của nhà trường
trước nhân dân và cũng là sự kiểm tra của Nhà nước đối với công tác của nhà trường.
Đi thi là một việc bắt buộc đối với học sinh (trừ trường hợp đặc biệt, do nhà
trường phê chuẩn thì không kể).
Có hai cuộc thi chính:
- Cuối lớp 4 và lớp 7: thi hết cấp.
- Cuối lớp 10: thi tốt nghiệp
trường phổ thông.
5) Quan hệ giữa giáo viên và học
trò:
Trò phải kính thầy, thầy phải
yêu trò. Cải thiện không ngừng quan hệ giữa thầy và trò để cho việc giáo dục trẻ
em có kết quả tốt.
6) Quan hệ giữa học trò với
nhau:
Đoàn kết thân ái, giúp đỡ nhau
tiến bộ. Xây dựng quan hệ bình đẳng hữu ái giữa trò với trò. Không phân biệt
thành phần giai cấp trong lớp học.
7) Quan hệ giữa nhà trường và Hiệu
đoàn thanh niên:
Đoàn thanh niên Lao động trong
trường và Đoàn Học sinh phải giúp đỡ nhà trường trong việc động viên thanh niên
học sinh học tập tiến bộ, giữ đúng kỷ luật và quy chế của nhà trường, cải thiện
không ngừng quan hệ giữa trò với nhau và giữa thầy với trò.
8) Quan hệ giữa nhà trường với
gia đình và xã hội:
Nhà trường phải tăng cường liên hệ
với gia đình học sinh để hai bên cộng tác với nhau trong việc giáo dục các trẻ
em. Các vấn đề lớn quan hệ đến việc giáo dục trẻ em cần đem thảo luận rộng rãi
trong nhân dân và nhà trường, cần tranh thủ của đại biểu gia đình các trẻ em về
những vấn đề đó. Cần để cho học sinh tham gia những công tác nhất định ngoài xã
hội trong phạm vi không hại đến việc học của các trẻ em, không tách rời nhà trường
với xã hội.
III. CHƯƠNG
TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA
1) Chương trình:
Đường lối mới của giáo dục phổ
thông phải thể hiện trong chương trình, cho nên chương trình mới phải được xây
dựng trên những nguyên tắc chính sau đây:
Cung cấp cho học sinh những
kiến thức khoa học cơ bản, hiện đại và có hệ thống: muốn vậy phải tăng cường
tri thức khoa học thiết thực, hiện đại, không ôm đồm những phần nào xét ra chưa
cần thiết hay thiếu khả năng. Những kiến thức phải được kết hợp chặt chẽ với
nhau và sắp xếp có hệ thống. Nội dung chương trình phải xây dựng trên quan điểm
duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để giúp cho sự nhận thức đúng đắn về sự vật.
Một số môn sẽ cấu tạo theo lối
đường thẳng (lớp dưới đã học, lớp trên không học lại nữa). Nhưng cũng có một số
môn phải cấu tạo theo lối đồng tâm (lớp dưới đã học, lớp trên học lại kỹ
hơn và sâu hơn). Để chiếu cố những học sinh học hết mỗi cấp có thể sang học trường
chuyên nghiệp hoặc có thể ra trường và phục vụ sản xuất.
Tăng cường giáo dục tư tưởng,
chính trị: tư tưởng, chính trị dùng phải được thấm nhuần vào ngay trong nội
dụng giảng dạy ở các môn khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, đồng thời
phải liên kết nội dung chương trình với những nhiệm vụ chính trị hiện đại.
Thể hiện việc kết hợp lý luận
với thực tiễn: phải đành cho bài tập và công tác thực hành một số giờ thích
đáng, chú ý đến những ứng dụng của các khoa học tự nhiên trong đời sống hàng
ngày và trong sinh hoạt sản xuất.
Chú ý đặc điểm các lứa tuổi học
sinh: chương trình sắp xếp đi từ dễ đến khó, từ gần đến xa, từ thấp đến
cao, sao cho thích hợp với sự phát triển tâm lý và sinh lý của các trẻ em ở mọi
lứa tuổi.
Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ
giữa các bộ môn: phải thể hiện tốt đường lối chính trị và tư tưởng thống nhất
cho đoàn thể chương trình và trong khi bố trí nội dung cụ thể cho chương
trình từng môn ở từng cấp, phải chú ý đến sự phối hợp giữa các môn gần nhau.
2) Sách giáo khoa:
Về nội dung cũng như về hình thức,
sách giáo khoa phải đảm bảo việc thực hiện chương trình cho nên việc biên soạn
sách giáo khoa phải được tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ, lãnh đạo phải đặc biệt
chú trọng đến việc soạn và duyệt sách giáo khoa. Cần chấm dứt tình trạng biên
soạn các tài liệu giáo khoa một cách bừa bãi. Phải tập trung việc biên soạn
sách vào một cơ quan duy nhất ở cấp Trung ương.
IV. BỒI DƯỠNG
VÀ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN
Để thực hiện tốt việc chấn chỉnh
ngành giáo dục phổ thông, điều căn bản là thầy giáo. Thầy giáo phải ra sức học
tập, đề cao trình độ tư tưởng, chính trị, văn hóa và nghiệp vụ của mình, dần dần
học cho được phương pháp vận dụng quan điểm duy vật biện chứng và quan điểm duy
vật lịch sử, dùng phương pháp lý luận liên hệ với thực tế mà giảng dạy, đồng thời
phải liên kết với giáo dục tư tưởng, chính trị.
Các giáo viên phải xác định ý thức
phục vụ nhân dân, vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ những
người kiến thiết Tổ quốc sau này. Vì vậy sứ mệnh của giáo viên rất quang vinh.
Giáo viên phải yêu nghề và toàn dân phải tôn trọng giáo viên.
Phải có chế độ đãi ngộ thích
đáng đối với giáo viên (sẽ có nghị định riêng về chính sách đối với giáo viên).
Mặt khác, ngành sư phạm là công
nghiệp nặng của giáo dục đào tạo ra giáo viên, cho nên cần được đặc biệt chú ý.
V. CẢI TIẾN
CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO VÀ TỔ CHỨC
Việc lãnh đạo nhà trường đã thu
được kết quả tốt trong những năm vừa qua, nay cần phải được tiếp tục cải tiến nữa.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác nhà trường, nhưng phải
lấy công tác lãnh đạo giảng dạy làm trọng tâm. Phải đoàn kết, giúp đỡ và bồi dưỡng
giáo viên, biết phát hiện và phát huy những cái hay của giáo viên, coi trọng những
kinh nghiệm và sáng kiến của họ. Đồng thời phải nghiên cứu và giải quyết một số
vấn đề về tổ chức nhà trường, như chế độ giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức học
sinh trong nhà trường, quy chế nhà trường, … sao cho nhà trường có một chế độ
rõ ràng, sinh hoạt và công tác của nó đi vào nề nếp ổn định.
Các cơ quan giáo dục (Nha, Khu,
Sở, Ty) cần phải gấp rút chấn chỉnh tổ chức và lề lối làm việc và tăng cường
công tác lãnh đạo giáo dục, lãnh đạo việc giảng dạy ở các trường, các cấp: phân
công hợp lý, thường xuyên tiến hành kiểm tra, tổng kết kinh nghiệm kịp thời
phát hiện và giải quyết các vấn đề, bồi dưỡng cán bộ…
Việc chấn chỉnh ngành giáo dục
phổ thông là một công trình to lớn và lâu dài. Vì vậy, phải kiên quyết bắt tay
vào việc chấn chỉnh, không nên chậm chạp, đồng thời cần phải tiến hành từng bước,
căn cứ vào yêu cầu và khả năng của từng thời kỳ mà làm, không nên nóng vội, qua
loa.
Bộ Giáo dục sẽ dựa trên bản
chính sách này mà cụ thể hoá ra, đồng thời phải tiến hành khẩn trương, chu đáo
một số vấn đề trước mắt, như: ban bố chương trình học mới, biên soạn cần thiết
sách giáo khoa, chuẩn bị kế hoạch chuyển tiếp từ các trường phổ thông 9 năm và
các trường trung học và tiểu học sang trường phổ thông mới thống nhất,… bảo đảm
việc thực hiện chấn chỉnh ngành giáo dục phổ thông kể từ ngày khai giảng niên học
1956-1957 tới đây.