Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 74/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự về Cơ quan quản lý thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự và Công chức làm công tác thi hành án dân sự

Số hiệu 74/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 09/09/2009
Ngày có hiệu lực 01/11/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 74/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VỀ CƠ QUAN QUẢN LÝ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ CÔNG CHỨC LÀM CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự bao gồm:

1. Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự;

2. Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp (sau đây gọi chung là Chấp hành viên); Thẩm tra viên thi hành án, Thẩm tra viên chính thi hành án, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án (sau đây gọi chung là Thẩm tra viên thi hành án); Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

Việc bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh, Chấp hành viên quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

3. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển.

4. Thẻ, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự.

Điều 2. Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự

Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (trừ hệ thống tổ chức thi hành án trong quân đội quy định tại Điều 8 Nghị định này) được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất, gồm có:

1. Ở Trung ương: Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;

2. Ở cấp tỉnh: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) là cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự;

3. Ở cấp huyện: Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện) là cơ quan thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự địa phương có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, trụ sở và tài khoản riêng.

Điều 3. Vị trí, chức năng của Tổng cục Thi hành án dân sự  

Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự

1. Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định:

a) Dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về thi hành án dân sự;

b) Chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ về thi hành án dân sự.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định hoặc ban hành:

[...]