Thông tư liên tịch 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Tài chính - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC
Ngày ban hành 11/07/2011
Ngày có hiệu lực 30/09/2011
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công An,Bộ Tài chính,Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng,Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn,Nguyễn Đức Chính,Đặng Văn Hiếu,Trần Công Phàn,Từ Văn Nhũ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN - BỘ TÀI CHÍNH - TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2011

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 74/2009/NĐ - CP ngày 09 tháng 09 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự;

Sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự như sau:

Điều 1. Chức năng của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 173; khoản 1, khoản 2 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự Điều 13 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 09 năm 2009 của Chính phủ theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, bao gồm:

1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn.

2. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân cùng cấp về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.

2. Giúp Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này.

3. Đề xuất với Ủy ban nhân dân cùng cấp các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này.

4. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này.

5. Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ý kiến của Ủy ban nhân dân về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này.

6. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương.

7. Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, Phó trưởng ban, các uỷ viên và Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự:

a) Điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

b) Quyết định nội dung cuộc họp, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

c) Phân công cho Phó trưởng ban và các thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự thực hiện công việc của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

d) Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của các thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương trong công tác thi hành án dân sự;

đ) Quyết định kiểm tra hoặc cử thành viên trong Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương;

e) Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân về nhiệm vụ được giao.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự:

a) Thường trực Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, thay mặt Trưởng ban chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự khi Trưởng ban vắng mặt hoặc được Trưởng ban ủy quyền;

[...]