Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 54/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Số hiệu 54/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 05/06/2009
Ngày có hiệu lực 31/07/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 54/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Pháp lệnh Đo lường ngày 06 tháng 10 năm 1999;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa và mã số mã vạch (sau đây gọi tắt là lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa là hành vi cố ý hoặc vô ý của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) vi phạm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải chịu một trong những hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng: giấy chứng nhận hợp chuẩn; giấy chứng nhận hợp quy; giấy chứng nhận điều kiện hoạt động của tổ chức chứng nhận sự phù hợp; giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định, dấu kiểm định; các giấy phép, chứng chỉ hành nghề do cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp;

b) Tước quyền sử dụng: quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo; quyết định chứng nhận chuẩn phương tiện đo; quyết định công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo; quyết định chỉ định tổ chức kiểm tra về chất lượng; thẻ kiểm định viên đo lường;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó bao gồm cả giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo hoặc do cấp sai quy định.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra;

b) Thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà có;

c) Buộc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

d) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc phương tiện đo nhập khẩu không đúng quy định về đo lường;

đ) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa hoặc phương tiện đo vi phạm đã lưu thông;

e) Buộc thực hiện kiểm định và hoàn thành thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo trong thời hạn quy định;

g) Buộc thực hiện quy định về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn.

[...]