Nghị định 50/2014/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Số hiệu 50/2014/NĐ-CP
Ngày ban hành 20/05/2014
Ngày có hiệu lực 15/07/2014
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 50/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ DỰ TRỮ NGOẠI HỐI NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Pháp lệnh ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về dự trữ ngoại hối nhà nước, quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, hạch toán kế toán, báo cáo và công bố thông tin dự trữ ngoại hối nhà nước.

Điều 2. Cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước theo quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Tại Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

a) Dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức (sau đây gọi là dự trữ ngoại hối chính thức) là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý;

b) Tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

c) Các nguồn ngoại hối khác.

2. Dự trữ ngoại hối chính thức bao gồm Quỹ dự trữ ngoại hối và Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng.

3. Bảo toàn dự trữ ngoại hối nhà nước là bảo đảm an toàn dự trữ ngoại hối nhà nước thông qua việc tuân thủ cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước được phê duyệt.

4. Thanh khoản dự trữ ngoại hối nhà nước là khả năng sẵn sàng đáp ứng ngoại tệ và vàng phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách tỷ giá và vàng, can thiệp thị trường ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế và đáp ứng các nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước.

5. Sinh lời là có chênh lệch dương giữa tổng thu nhập trừ chi phí đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức trong năm tài khóa.

6. Đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước là việc Ngân hàng Nhà nước gửi, mua, bán ngoại tệ và vàng; mua, bán chứng khoán, các loại giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ; ủy thác đầu tư và thực hiện các hình thức đầu tư khác trên thị trường quốc tế do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

7. Cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức bao gồm: Tỷ lệ của các loại ngoại tệ và khối lượng vàng; tỷ lệ đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ, chứng khoán, các loại giấy tờ có giá và các hình thức đầu tư khác trong dự trữ ngoại hối chính thức và mức ngoại tệ tối đa để mua vàng trên thị trường quốc tế của Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

8. Tiêu chuẩn đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm: Mức xếp hạng tín nhiệm của đối tác được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước, loại chứng khoán, giấy tờ có giá được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

9. Hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước là mức ngoại hối tối đa được phép đầu tư theo đối tác và hình thức đầu tư do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.

10. Can thiệp thị trường trong nước là việc Ngân hàng Nhà nước mua, bán, hoán đổi ngoại tệ và vàng và thực hiện các hình thức can thiệp khác trên thị trường trong nước.

[...]