Nghị định 49/1998/NĐ-CP về việc quản lý hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam

Số hiệu 49/1998/NĐ-CP
Ngày ban hành 13/07/1998
Ngày có hiệu lực 28/07/1998
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 49/1998/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 7 NĂM 1998 VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ CỦA NGƯỜI VÀ PHƯƠNG TIỆN NƯỚC NGOÀI TRONG CÁC VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 23 tháng 6 năm 1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6 tháng 7 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thủy sản,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật trong các vùng biển của Việt Nam.

Bộ Thủy sản giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc quản lý thống nhất các hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam.

Điều 2. Nghị định này áp dụng đối với người và phương tiện nước ngoài, kể cả người và phương tiện thuộc doanh nghiệp thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi tiến hành các công việc: điều tra, thăm dò, đánh bắt, nuôi trồng hải sản; thu gom vận chuyển hải sản nuôi trồng và khai thác được (sau đây gọi tắt là hoạt động nghề cá) trong các vùng biển của Việt Nam.

Các tàu không phải là tàu khai thác hải sản và các tàu không tham gia hoạt động nghề cá ra vào các cảng quốc gia theo quy định của Bộ Luật Hàng hải để thực hiện các hợp đồng thương mại về xuất, nhập khẩu (kể cả hàng hóa là hải sản) thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 3. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện dễ dàng và thuận lợi để người và phương tiện nước ngoài được phép hoạt động nghề cá trong các vùng biển của Việt Nam.

Điều 4. Người và phương tiện nước ngoài hoạt động nghề cá trong các vùng biển của Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm soát trên biển của Việt Nam. Mọi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

Điều 5. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.'' Chủ phương tiện'' là chủ sở hữu, hoặc thuyền trưởng, người quản lý phương tiện;

2. ''Vùng biển của Việt Nam'' là các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước năm 1982 của Liên Hợp quốc về Luật Biển được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn ngày 23 tháng 6 năm 1994 bao gồm: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

3. ''Người nước ngoài'' là người không mang quốc tịch Việt Nam.

4. ''Phương tiện hoạt động nghề cá nước ngoài'' bao gồm: tàu, thuyền, các phương tiện di động và không di động trên biển không đăng ký quốc tịch Việt Nam.

Chương 2:

HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ TRONG CÁC VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM

Điều 6. Trên cơ sở các giấy phép về đầu tư; hợp tác nghiên cứu khoa học; hợp đồng hợp tác khoa học kỹ thuật hoặc các hợp đồng khác về nghề cá (sau đây gọi chung là giấy phép) đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam cấp hoặc phê duyệt; tổ chức, cá nhân nước ngoài phải đăng ký với Bộ Thủy sản Việt Nam về nội dung hoạt động cụ thể của phương tiện để được Bộ Thủy sản Việt Nam cấp đăng ký hoạt động nghề cá trước khi đưa phương tiện vào vùng biển của Việt Nam.

Điều 7. Bộ Thủy sản Việt Nam cấp Giấy đăng ký hoạt động nghề cá (sau đây gọi tắt là Giấy đăng ký) cho từng phương tiện nước ngoài sau 5 ngày, kể từ ngày tổ chức, cá nhân nước ngoài làm thủ tục xin đăng ký.

Trường hợp Giấy đăng ký hết thời hạn trước thời hạn của giấy phép, có thể xin gia hạn Giấy đăng ký. Mọi thay đổi về nội dung của Giấy đăng ký phải được Bộ Thủy sản Việt Nam chấp thuận.

Khi cấp Giấy đăng ký, Bộ Thủy sản Việt Nam được phép thu một khoản lệ phí, theo quy định hiện hành về phí và lệ phí.

Điều 8. Giấy đăng ký mất giá trị trong các trường hợp sau đây:

1.Các giấy phép bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ;

2. Giấy đăng ký hết thời hạn hoặc bị sửa chữa, tẩy xóa, rách nát;

3. Giấy đăng ký bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc thu hồi;

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ