Nghị định 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới

Số hiệu 48/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 19/05/2009
Ngày có hiệu lực 15/07/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 48/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 4 và khoản 5 Điều 14, khoản 3 Điều 17, Điều 19, Điều 21, Điều 23, Điều 24, điểm e và điểm g khoản 2 Điều 32 Luật Bình đẳng giới về:

1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới.

2. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, gia đình và công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân).

Chương 2.

THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ GIỚI VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Điều 3. Yêu cầu đối với thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới

1. Nội dung, hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được quy định tại Điều 6 Luật Bình đẳng giới;

b) Định hướng, khuyến khích thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình;

c) Không mang định kiến giới, không tạo ra định kiến giới; loại bỏ mọi sự phân biệt đối xử về giới;

2. Người làm công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới phải có kiến thức về giới và bình đẳng giới.

Điều 4. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới

1. Chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

2. Kiến thức, thông tin, số liệu về giới và bình đẳng giới.

3. Tác hại của định kiến giới, phân biệt đối xử về giới; công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

4. Biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đấu tranh xóa bỏ phân biệt đối xử về giới và định kiến giới.

[...]