Thông tư 07/2011/TT-BTP về hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 07/2011/TT-BTP
Ngày ban hành 31/03/2011
Ngày có hiệu lực 01/05/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2011/TT-BTP

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG TỔ CHỨC CÁN BỘ VÀ HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới;
Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về việc bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi tắt là Trung tâm), Chi nhánh của Trung tâm (sau đây gọi tắt là Chi nhánh).

2. Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là công ty luật, văn phòng luật sư và các trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là đoàn thể chính trị - xã hội) đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

3. Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

4. Người thực hiện trợ giúp pháp lý:

a) Trợ giúp viên pháp lý;

b) Cộng tác viên trợ giúp pháp lý;

c) Luật sư, tư vấn viên pháp luật làm việc tại các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

5. Người được trợ giúp pháp lý và những người có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

6. Các cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan đến quản lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và được quy định tại Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật có liên quan khác.

2. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác tổ chức cán bộ và hoạt động của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Tăng cường phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

4. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm chủ động thực hiện công việc trong phạm vi yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; không tạo áp lực cho người được trợ giúp pháp lý hoặc sử dụng các điểm yếu về giới tính của người được trợ giúp pháp lý để buộc họ quyết định ngay lập tức hướng giải quyết vụ việc.

Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo cho họ về quyền được pháp luật bảo vệ, được sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí, không được có hành vi phán xét, đổ lỗi, gây áp lực, gây sợ hãi hoặc làm tổn thương về mặt tâm lý cho người được trợ giúp pháp lý.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm

1. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý không tuân thủ các quy định về bảo đảm bình đẳng giới và có hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới đối với người được trợ giúp pháp lý thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện thấy hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới của cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng trong vụ việc cụ thể.

Điều 5. Đánh giá việc bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý

1. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý là một trong các tiêu chí xếp hạng thi đua khen thưởng của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý.

[...]