Nghị định 275-TTg năm 1957 hướng dẫn Sắc luật 003-SLt về chế độ xuất bản do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 275-TTg
Ngày ban hành 24/06/1957
Ngày có hiệu lực 09/07/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 275-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1957 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH SẮC LUẬT SỐ 003-SLT NGÀY 18-06-1957 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ XUẤT BẢN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957 quy định chế độ xuất bản;
Căn cứ Sắc lệnh số 18-SL ngày 31 tháng 1 năm 1946 quy định thể lệ lưu chuyển văn hóa phẩm;
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957 về:

1) Việc cấp giấy phép cho lập nhà xuất bản hoặc cho cá nhân hoạt động xuất bản;

2) Việc nộp lưu chiểu các loại xuất bản phẩm;

3) Việc áp dụng kỷ luật.

MỤC I. - THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP

Điều 2. Muốn lập một nhà xuất bản, người chủ nhiệm (hoặc giám đốc) phải nộp đơn  xin phép tại Bộ Văn hóa kèm theo các giấy tờ sau đây:

1) Tờ khai, làm thành hai bản, nói rõ tên, tôn chỉ, mục đích, hướng hoạt động, trụ sở chính thức của nhà xuất bản.

2) Lý lịch sơ lược, làm thành hai bản, của từng người chịu trách nhiệm chính thức của nhà xuất bản (chủ nhiệm hoặc Giám đốc, quản lý và tổng biên tập).

Mỗi bản đều có chứng thực của Ủy ban Hành chính thành phố hay tỉnh nơi đương sự cư trú.

3) Lý lịch tư pháp (một bản) của từng người, chủ nhiệm (hoặc Giám đốc), quản lý và tổng biên tập, do Tòa án nhân dân thành phố hoặc Tòa án nhân dân tỉnh nơi đương sự cư trú cấp.

Ở những khu không có tỉnh như Khu tự trị Thái mèo, và Khu Hồng quảng hiện nay, thì các bản lý lịch sơ lược do Ủy ban Hành chính khu chứng thực và bản lý lịch tư pháp do Tòa án nhân dân khu cấp.

Một tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt nam hoặc một cơ quan Nhà nước muốn lập nhà xuất bản, phải làm đơn xin phép, nói rõ tên, tôn chỉ, mục đích, hướng hoạt động, trụ sở chính thức, họ tên chủ nhiệm (hoặc giám đốc), người quản lý và người tổng biên tập của nhà xuất bản.

Bộ Văn hóa ấn định những mẫu giấy tờ và hướng dẫn việc khai báo.

Điều 3. Chậm nhất là một tháng kể từ ngày ban hành Nghị định này, các nhà xuất bản hiện đang hoạt động phải khai báo lại hoặc xin phép lại, như đã quy định ở điều 19 Sắc luật  số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957.

Quá hạn đó nhà xuất bản nào chưa làm đầy đủ thủ tục khai báo hoặc xin phép lại thì không được hoạt động nữa.

Điều 4. Cá nhân nào muốn đứng ra xuất bản tác phẩm của mình hoặc của người khác thì phải nộp đơn xin phép hoạt động xuất bản nhất thời, nói rõ tên tác phẩm và tên tác giả. Đơn xin phép phải kèm theo hai bản lý lịch sơ lược và một bản lý lịch tư pháp của người  đứng xin theo thể thức nói ở điều 2 Nghị định này.

Điều 5.  Một tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt nam hoặc một cơ quan người muốn xuất bản tác phẩm hoặc tài liệu để phát hành ra ngoài hoặc lưu hành trong nội bộ, thì phải nộp đơn xin phép hoạt động xuất bản nhất thời, nói rõ tên tác phẩm hoặc tài liệu, và tên tác giả.

Trường hợp một tổ chức ở ngoài Mặt trận Tổ quốc Việt nam muốn xuất bản tác phẩm hoặc tài liệu, thì đơn xin phép hoạt động xuất bản nhất thời phải kèm thêm một giấy chứng nhận của Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh hay là khu (ở những khu không có tỉnh như khu tự trị Thái mèo và khu Hồng quảng) chứng nhận tổ chức đó đã được phép thành lập.

Điều 6. Các tổ chức  hoặc cá nhân từ trước đến nay vẫn hoạt động xuất bản nhưng không phải là nhà xuất bản chuyên nghiệp, từ nay mỗi lần muốn hoạt động xuất bản nhất thời thì phải xin phép theo đúng thể thức nói trong các điều 4 và 5.

Điều 7. Đơn và giấy  tờ nói ở các điều 2, 3, 4, 5 và 6 nộp tại các cơ quan sau đây:

- Ở Hà nội: tại Cục quản lý xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm (gọi tắt là Cục xuất bản) thuộc Bộ Văn hóa;

- Ở Hải phòng, Khu Hồng quảng, khu Tự trị Thái mèo; tại Sở Văn hóa;

[...]