HỘI
ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
182-HĐBT
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 5 năm 1992
|
NGHỊ
ĐỊNH
CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 182-HĐBT NGÀY 28-5-1992 QUY ĐỊNH
CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN
ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỦA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Pháp lệnh về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam ngày
17 tháng 10 năm 1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
1. Các Bộ,
Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng đàm phán và ký các
điều ước quốc tế với danh nghĩa chính phủ phải báo cáo Hội đồng Bộ trưởng quyết
định; nếu đàm phán và ký kết điều ước quốc tế với danh nghĩa cấp ngành phải báo
cáo xin phép Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khi chưa được phép, không được ký kết.
2. Các Bộ, Uỷ
ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng đàm phán và ký các điều
ước quốc tế với danh nghĩa Nhà nước phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để
trình Hội đồng Nhà nước quyết định.
3. Người đại
diện ký các điều ước quốc tế với danh nghĩa Nhà nước và Chính phủ là cấp Bộ, với
danh nghĩa cấp ngành là Thủ trưởng ngành. Trường hợp ký kết điều ước quốc tế ở
nước ngoài mà ta không cử đại diện đi ký thì uỷ quyền cho Đại sứ hoặc Đại diện
nước ta ở nước sở tại ký.
Điều 2.
1. Tên gọi
của điều ước quốc tế tuỳ thuộc vào tính chất và nội dung của vấn đề ký kết
(kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật) giữa các bên ký kết mà xác định các hình
thức văn bản.
2. Điều ước quốc tế hai bên hoặc
nhiều bên phải có một văn bản bằng tiếng Việt, trừ một số ít trường hợp đặc biệt
có thoả thuận riêng với phía bên kia. Trong trường hợp như vậy, sau khi ký, cơ
quan đề xuất ký kết phải dịch điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt.
Điều 3.
1. Bộ Ngoại
giao là cơ quan đầu mối trao đổi các dự thảo điều ước với nước ngoài hoặc tổ chức
quốc tế. Khi nhận được đề nghị hoặc dự thảo điều ước quốc tế của nước ngoài hoặc
tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao chuyển đề nghị, hoặc dự thảo điều ước cho các Bộ,
các ngành hữu quan xem xét.
2. Các Bộ,
các ngành hữu quan căn cứ vào chức năng của mình, vào nhu cầu và khả năng hợp
tác của Việt Nam, chủ động đề xuất chủ trương đàm phán, ký kết và phối hợp với
các cơ quan liên quan khác trong việc xây dựng dự thảo văn bản.
3. Cơ quan đề
xuất việc ký kết trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng phải lấy ý kiến Bộ Ngoại
giao, Bộ Tư pháp và các Bộ, các ngành có liên quan bằng văn bản.
4. Trường hợp
xin ký hoặc tham gia điều ước quốc tế nhiều bên, cơ quan chủ quản phải phối hợp
với Bộ Ngoại giao tìm hiểu các thông tin cần thiết như : văn bản chính của điều
ước quốc tế, các văn bản bổ sung sửa đổi, danh sách các bên tham gia, các bảo
lưu và tuyên bố của các bên tham gia, cũng như các thủ tục pháp lý khác.
Điều 4.
- Những văn bản đề nghị ký kết điều ước quốc tế phải có:
1. Tờ trình
nêu rõ:
- Yêu cầu, mục đích của việc ký
kết điều ước quốc tế.
- Nội dung cơ bản của dự thảo :
quyền lợi và nghĩa vụ của ta, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính.
- Danh nghĩa điều ước dự định ký
: điều ước quốc tế giữa hai Nhà nước, hai Chính phủ hay hai Bộ.
- Họ tên, chức vụ người được uỷ
quyền ký.
2. Bản dự thảo
điều ước quốc tế của Việt Nam.
3. ý kiến bằng
văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành hữu quan.
Điều 5.
1. Căn cứ
vào văn bản cho phép của Hội đồng Nhà nước hoặc Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan đề
xuất ký kết liên hệ với Bộ Ngoại giao làm giấy uỷ quyền và chuẩn bị các thủ tục
cần thiết để tổ chức lễ ký.
2. Bộ Ngoại giao chuẩn bị giấy uỷ
quyền của Hội đồng Nhà nước khi đàm phán, ký điều ước quốc tế với danh nghĩa
Nhà nước và chuẩn bị giấy uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng khi đàm phán, ký kết
điều ước quốc tế với danh nghĩa Chính phủ.
3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký
xác nhận uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng khi đàm phán, ký điều ước quốc tế với
danh nghĩa chính phủ nếu người ký thuộc cấp Bộ và tương đương.
Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục
cấp giấy uỷ quyền khi đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với danh nghĩa cấp
ngành.
4. Trừ những trường hợp được miễn
uỷ quyền nói ở khoản 1 Điều 6 của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc
tế của Việt Nam ; các đại diện khác chỉ được phép ký điều ước quốc tế khi có giấy
uỷ quyền quy định tại điều này.
Điều 6.
1. Tuỳ
theo sự thoả thuận của các bên ký kết, điều ước quốc tế có thể được ký tắt. Trước
khi ký tắt hoặc ký chính thức, văn bản tiếng Việt phải được rà soát kỹ và đối
chiếu với bản tiếng nước ngoài.
2. Trong quá trình đàm phán nếu
có những thay đổi về nội dung cơ bản so với dự thảo đã được chuẩn y thì việc ký
tắt hoặc ký chính thức chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của cấp có thẩm
quyền.
3. Tất cả các điều ước quốc tế của
Việt Nam ký với danh nghĩa Nhà nước và danh nghĩa Chính phủ với nước ngoài đều
phải gắn xi đóng dấu; nếu ký ở trong nước thì đóng dấu của Bộ Ngoại giao, ký ở
nước ngoài thì đóng dấu của Đại sứ quán nước ta ở nước sở tại, trừ trường hợp
thủ tục ký kết của nước sở tại có quy định khác.
Điều 7.
1. Cơ quan
đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế trong vòng 2 tuần lễ sau khi ký phải báo
cáo Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hoặc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kết quả đàm
phán và ký kết; nộp bản gốc điều ước quốc tế đã ký về Bộ Ngoại giao lưu trữ,
kèm theo giấy uỷ quyền của phía bên kia.
2. Trường hợp uỷ quyền cho Đại sứ
hay Đại biện, hoặc Trưởng đoàn đại diện Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký
điều ước ở nước ngoài thì người ký có trách nhiệm báo cáo và gửi bản gốc điều ước
quốc tế đã ký về Bộ Ngoại giao trong thời hạn sớm nhất. Bộ Ngoại giao báo cáo
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và thông báo các ngành hữu quan về kết quả việc ký
kết đó.
Điều 8.
1. Đối với
điều ước quốc tế với danh nghĩa Chính phủ hoặc cấp ngành có quy định thủ tục
phê duyệt cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế phải trình Hội đồng Bộ trưởng
phê duyệt.
2. Trong vòng 2 tuần lễ sau khi
điều ước được phê duyệt, Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt.
Điều 9.
1. Đối với
điều ước quốc tế danh nghĩa Nhà nước, hoặc điều ước có điều khoản trái với Luật
hoặc Pháp lệnh, cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế phải phối hợp cùng Bộ
Ngoại giao, Bộ Tư pháp để thống nhất ý kiến trước khi trình Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng kiến nghị Hội đồng Nhà nước phê chuẩn.
2. Sau khi điều ước quốc tế được
phê chuẩn, Bộ Ngoại giao làm thủ tục trao đổi thư phê chuẩn (điều ước hai bên)
hoặc thông báo phê chuẩn cho cơ quan lưu chiểu (điều ước nhiều bên).
Điều 10.
1. Bộ Ngoại
giao có trách nhiệm sao lục điều ước quốc tế gửi các cơ quan hữu quan để theo
dõi hoặc thi hành trong vòng 3 tuần lễ sau khi điều ước quốc tế có hiệu lực.
2. Cơ quan đề
xuất việc ký kết điều ước quốc tế căn cứ vào nội dung và tình hình cụ thể, có
thể kiến nghị Hội đồng Nhà nước hoặc Hội đồng Bộ trưởng thông qua các biện pháp
cần thiết để bảo đảm việc thi hành các cam kết quốc tế của Việt Nam.
3. Trong trường
hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành
văn bản pháp luật mới, cơ quan đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế có trách
nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp trình Hội đồng Bộ trưởng hoặc báo
cáo Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước xem xét, quyết định.
4. Cơ quan đề
xuất việc ký kết điều ước quốc tế phải báo cáo việc thực hiện điều ước quốc tế
đã ký lên Hội đồng Bộ trưởng hoặc Hội đồng Nhà nước (nếu là điều ước ký kết với
danh nghĩa Nhà nước), đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao theo định kỳ hàng
năm hoặc khi có yêu cầu.
Cơ quan đề xuất việc ký kết điều
ước quốc tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao theo dõi việc thực hiện
cam kết quốc tế đối với Việt Nam của các bên ký kết khác và kịp thời kiến nghị
những biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của Việt Nam khi các bên ký kết các vi phạm.
Điều 11.
- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi thực hiện
Nghị định này.
Điều 12. -
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với
Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban
Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm thi
hành Nghị định này.