Quyết định 182/1999/QĐ-CTN phê chuẩn công ước 182 về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất của tổ chức lao động quốc tế do Chủ tịch nước ban hảnh

Số hiệu 182/1999/QĐ-CTN
Ngày ban hành 18/06/1999
Ngày có hiệu lực 18/06/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổ chức Lao động Quốc tế
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 182/1999/QĐ-CTN

Hà Nội , ngày 18 tháng 6 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC SỐ 182/1999/QĐ-CTN NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 2000 VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN CÔNG ƯỚC 182  CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 24/8/1998;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Công văn số 1042/CP-QHQT ngày 13 tháng 11 năm 2000;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Công ước 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về "Cấm và hành động tức thời để loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất".

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm làm thủ tục đối ngoại về việc Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia Công ước này và thông báo cho các cơ quan hữu quan ngày có hiệu lực của Công ước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CÔNG ƯỚC SỐ 182

CÔNG ƯỚC VỀ VIỆC CẤM VÀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG TỨC THỜI ĐỂ LOẠI BỎ NHỮNG HÌNH THỨC LAO ĐỘNG TRẺ EM TỒI TỆ NHẤT

Hội nghị toàn thể của Tổ chức lao động quốc tế.

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơnevơ, ngày 1 tháng 6 năm 1999 trong khoá họp lần thứ 87.

Xem xét nhu cầu thông qua những văn kiện mới để cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất là một ưu tiên chính trong hành động quốc gia và quốc tế , bao gồm cả hợp tác và trợ giúp quốc tế để bổ sung cho Công ước và khuyến nghị về tuổi tối thiểu được chấp nhận làm việc, năm 1973, hiện vẫn là văn kiện cơ bản về lao động trẻ em,

Thấy rằng việc loại bỏ có hiệu quả những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đòi hỏi phải hành động tức thời và toàn diện có xem xét đến ý nghĩa của việc giáo dục cơ bản miễn phí và sự cần thiết đưa những trẻ em có liên quan ra khỏi tất cả những công việc như vậy và giúp các em phục hồi và hoà nhập xã hội trong khi đáp ứng những nhu cầu của gia đình các em,

Nhắc lại Nghị quyết về việc loại bỏ lao động trẻ em được Hội nghị lao động quốc tế thông qua ở khoá họp lần thứ 83 năm 1996,

Nhận thấy rằng sự nghèo khó ở một mức độ lớn là nguyên nhân của lao động trẻ em, và thấy rằng những giải pháp lâu dài cho vấn đề này là sự tăng trưởng kinh tế bền vững dẫn đến những tiến bộ xã hội đặc biệt là xoá bỏ nghèo khổ và giáo dục phổ cập,

Nhắc lại Công ước về quyền trẻ em được Đại hội đồng liên hiệp quốc thông qua vào ngày 20 tháng 11 năm 1989,

Nhắc lại Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và những biện pháp tiếp theo, được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua ở khoá họp lần thứ 86 năm 1998,

Nhắc lại rằng, một số hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đã được những văn kiện quốc tế khác đề cập đến, đặc biệt là Công ước về Lao động cưỡng bức năm 1930, và Công ước bổ sung của Liên hiệp quốc về loại bỏ nô lệ, buôn bán nô lệ, các thể chế và tập tục giống như nô lệ năm 1956,

Quyết định thông qua một số đề nghị về lao động trẻ em, đề mục thứ tư trong chương trình nghị sự của khoá họp này,

Quyết định rằng, những đề nghị đó sẽ được thông qua dưới hình thức của một Công ước quốc tế thông qua ngày 17/6/1999. Công ước dưới đây, gọi là Công ước về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999.

Điều 1.

Mỗi một nước thành viên phê chuẩn công ước này sẽ áp dụng những biện pháp tức thời và hữu hiệu để đảm bảo việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như một vấn đề khẩn cấp.

Điều 2.

Vì mục đích của Công ước này, thuật ngữ "trẻ em" sẽ được áp dụng cho tất cả những ai dưới 18 tuổi.

[...]