Thông tư 03-TT/LB năm 1979 hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp hành chính của Nhà nước do Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ và Tổng Công đoàn Việt Nam ban hành

Số hiệu 003-TT/LB
Ngày ban hành 07/11/1979
Ngày có hiệu lực 22/11/1979
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ,Tổng Công đoàn Việt Nam
Người ký Nguyễn Đôn,Nguyễn Tam Ngô
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM - UỶ BAN THANH TRA CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 003-TT/LB

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 1979 

 

 THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THANH TRA CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TẠI CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỰ NGHIỆP HÀNH CHÍNH CỦA NHÀ NƯỚC

Căn cứ điều 22 của Nghị định số 182-CP ngày 26-4-1979 của Hội đồng Chính phủ ban hành quy định về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.
Ủy ban thanh tra của Chính phủ và Ban thư ký Tổng công đoàn Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra của công nhân, viên chức (gọi tắt là ban thanh tra của công nhân) tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp, hành chính của Nhà nước.

I. Ý NGHĨA VÀ TÁC DỤNG CỦA CÔNG TÁC THANH TRA CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC

Quyền làm chủ tập thể của nhân dân được thể hiện trong nghĩa vụ và quyền lợi của công dân đối với mọi công việc của xã hội, đồng thời được thể hiện trong việc người công dân có quyền giám sát, kiểm tra công việc của các cơ quan Nhà nước.

Cơ cấu kiểm tra của Đảng và Nhà nước bao gồm hệ thống tự kiểm tra trong bộ máy Nhà nước, sự kiểm tra của Đảng và các tổ chức quần chúng. Để làm tốt công tác kiểm tra, phải kết hợp kiểm tra của Đảng, của Nhà nước và của các tổ chức quần chúng.

Ban thanh tra của công nhân do công nhân, viên chức bầu ra để giám sát, kiểm tra thường xuyên, trực tiếp, tại chỗ, mọi người, mọi hoạt động ở đơn vị cơ sở trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cơ sở, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy tinh thần tích cực cách mạng, trí thông minh, năng lực sáng tạo của quần chúng, phát hiện với Đảng, chính quyền, công đoàn và các tổ chức quần chúng khác những người tốt, việc tốt để động viên, cổ vũ, những khuyết điểm, thiếu sót để kịp thời uốn nắn, sửa chữa, ngăn ngừa các mặt tiêu cực.

Ban thanh tra của công nhân là tổ chức tra của công nhân, viên chức được pháp luật Nhà nước công nhận, được ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn tổ chức và hoạt động, cơ quan thanh tra Nhà nước cấp trên chỉ đạo về nghiệp vụ. Ban thanh tra của công nhân là một trong những cơ cấu thực hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức để giám sát, kiểm tra mọi hoạt động của đơn vị cơ sở, bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của công nhân, viên chức.

Ban thanh tra của công nhân là tổ chức kiểm tra của quần chúng do đảng ủy cơ sở lãnh đạo, đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và dựa vào quần chúng giám sát, kiểm tra, phản ánh và đề xuất biện pháp sửa chữa đúng đắn kịp thời với cấp có trách nhiệm.

Ban thanh tra của công nhân là tổ chức cơ sở của hệ thống thanh tra của Nhà nước, để kết hợp công tác thanh tra của Nhà nước từ trên xuống  với việc giám sát, kiểm tra của quần chúng từ cơ sở phản ánh lên, làm cho công tác thanh tra của Nhà nước được khách quan, đúng đắn, kịp thời, thường xuyên, rộng khắp trong từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công tác phân phối, tổ chức đời sống, bảo vệ cơ sở, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.

Ban thanh tra của công nhân là chỗ dựa của thủ trưởng và cơ quan quản lý cấp trên, kết hợp công tác kiểm tra của quần chúng với kiểm tra của quần chúng với kiểm tra của thủ trưởng nhằm nắm sát tình hình, điều hành hoạt động có hiệu lực, góp phần hoàn thành kế hoạch Nhà nước và phát hiện những vấn đề cần cải tiến quản lý thuộc trách nhiệm cấp trên để phục vụ tốt cơ sở.

Các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, từ trung ương đến cơ sở có trách nhiệm tạo điều kiện để nâng cao năng lực hoạt động của ban thanh tra của công nhân.

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN THANH TRA CỦA CÔNG NHÂN

A. Nhiệm vụ :

Ban thanh tra của công nhân có nhiệm vụ tổ chức việc giám sát, kiểm tra thường xuyên, tại chỗ mọi hoạt động của đơn vị cơ sở thuộc các lĩnh vực sau :

- Việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc chấp hành các chính sách, chế độ của Nhà nước, nội quy của đơn vị.

- Việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cơ sở.

- Việc chấp hành các quy định về bảo vệ cơ sở, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, về bảo hộ lao động.

- Việc khắc phục các mặt tiêu cực trong công tác quản lý, việc chống quan liêu, cửa quyền, làm phiền hà dân.

- Việc tổ chức phân phối và phục vụ đời sống trong đơn vị.

- Việc tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, khiếu tố thuộc trách nhiệm của đơn vị cơ sở giải quyết.

Nội dung kiến nghị, khiếu tố đã được quy định trong điều 14 của Nghị định số 182-CP là :

- Những sáng kiến về cải tiến tổ chức lao động sản xuất, về xây dựng và thực hiện kế hoạch, tổ chức đời sống của cơ sở, những đề nghị có liên quan đến lợi ích của công nhân, viên chức.

- Góp ý kiến nhận xét, phê bình, chất vấn về những thiếu sót trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong việc thực hiện kế hoạch của cơ sở.

- Khiếu nại về các quyết định của thủ trưởng đơn vị hoặc người phụ trách trực tiếp mà mình cho là không đúng.

- Phát hiện, tố giác những hiện tượng tham ô, lãng phí hoặc những việc làm sai phạm chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Góp ý kiến về xây dựng cơ sở đảng và đoàn thanh niên.

B. Quyền hạn :

[...]