Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị định 181-CP năm 1964 ban hành điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 181-CP
Ngày ban hành 18/12/1964
Ngày có hiệu lực 02/01/1965
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 181-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 12  năm 1964

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động, phục vụ sản xuất;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Lao động và Ban Chấp hành Tổng công đoàn Việt-nam;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 01 tháng 10 năm 1963;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này “Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động ”.

Điều 2. – Các quy định trước đây về bảo hộ lao động trái với điều lệ này điều bãi bỏ.

Điều 3. – Ông Bộ trưởng Bộ Lao động chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết thi hành điều lệ này.

Điều 4. – Các ông Bộ trưởng các Bộ; thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 181-CP ngày 18-12-1964)

Từ khi thành lập nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, đi đôi với việc chăm lo cải thiện đời sống của công nhân, viên chức, Chính phủ đã quan tâm đến công tác bảo hộ lao động. Bộ Lao động và các Bộ quản lý sản xuất đã ban hành nhiều chế độ, thể lệ bảo hộ lao động và hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động. Công tác bảo hộ lao động đã thu được những kết quả bước đầu trong việc phòng ngừa tai nạn lao động, bảo vệ và giữ gìn sức khỏe của công nhân, viên chức.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác bảo hộ lao động chưa theo kịp đà phát triển sản xuất. Nhận thức về công tác bảo hộ lao động của một số ngành, địa phương và cơ sỏư chưa đầy đủ. Các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động đã ban hành còn thiếu chặt chẽ, thiếu toàn diện; chế độ trách nhiệm về bảo hộ lao động của các ngành, các cấp chưa được xác định rõ; tổ chức bảo đảm thực hiện và kiểm tra công tác bảo hộ lao động chưa được kiện toàn.

Trong giai đoạn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, để bảo đảm không ngừng nâng cao năng suất lao động và phát triển sản xuất, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động nhằm đưa công tác bảo hộ lao động vào nền nếp, có lãnh đạo và kiểm tra chặt chẽ và có tính chất quần chúng rộng rãi.

Điều 1. – Công tác bảo hộ lao động bao gồm việc áp dụng những biện pháp về kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp và việc quy định các chế độ; thể lệ bảo hộ lao động, nhằm bảo đảm an toàn và vệ sinh trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhẹ sức lao động, tạo điều kiện không ngừng nâng cao năng suất lao động.

Điều 2. – Các ngành, các cấp quản lý sản xuất có trách nhiệm chính trong việc thưc hiện công tác bảo hộ lao động. Công tác này phải tiến hành có kế hoạch, căn cứ vào những luật lệ đã ban hành, đặt dưới sự kiểm tra chặt chẽ của Nhà nước và sự giám sát của tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức.

Điều 3. - Bộ Lao động và các cơ quan lao động địa phương, Bộ Y tế và các cơ quan y tế địa phương có trách nhiệm giúp Chính phủ và Ủy ban hành chính địa phương trong việc hướng dẫn chung và thanh tra việc thực hiện công tác lao động bảo hộ lao động.

Các cơ quan khác của Nhà nước có liên quan đến bảo hộ lao động có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý sản xuất, lao động và y tế nghiên cứu các biện pháp bảo hộ lao động và bảo đảm việc thực hiện tốt các kế hoạch và chính sách, chế độ bảo hộ lao động.

Điều 4. – Công nhân, viên chức có nhiệm chấp hành mọi quy định của Nhà nước về bảo hộ lao động và phải chịu trách nhiệm về những hành động vi phạm của mình.

Điều 5. - Điều lệ này áp dụng cho tất cả các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị vận tải, kinh doanh, các kho tàng, các đội máy kéo, các cơ quan nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, các cơ quan sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ; Ủy ban hành chính các địa phương, kể cả các xí nghiệp công tư hợp doanh và xí nghiệp của Bộ Quốc phòng.

Đối  với các hợp tác xã tiểu công nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có sử dụng máy móc, hóa chất, Ủy ban hành chính địa phương sẽ căn cứ vào tinh thần và điều lệ này mà hướng dẫn việc áp dụng.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG.

Điều 6. – Các ngành các cấp chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp, khi lập kế hoạch sản xuất phải đồng thời lập kế hoạch bảo hộ lao động. Bộ chủ quản xí nghiệp, Ủy ban hành chính địa phương, khi xét duyệt kế hoạch sản xuất phải đồng thời xét duyệt kế hoạch bảo hộ lao động.

Điều 7. – Khi xây dựng và sửa chữa các công trình cơ quan phụ trách có trách nhiệm thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp.

Khi thiết kế chế tạo máy móc, cơ quan thiết kế hay nhà máy chế tạo phải đồng thời nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị cần thiết về an toàn lao động. Trước khi đưa vào sản xuất, các thiết bị máy móc phải được kiểm tra, nghiệm thử để bảo đảm kỹ thuật an toàn.

Điều 8. – Các xí nghiệp đều phải có quy trình thiết bị máy móc, phải đồng thời sửa đổi quy trình kỹ thuật an toàn cho từng ngành, nghề, từng loại máy.

[...]