Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 07-LĐ/TT-1969 về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ công nhân trong tình hình sửa chữa, phục hồi, mở rộng và xây dựng mới xí nghiệp do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 07-LĐ/TT
Ngày ban hành 06/06/1969
Ngày có hiệu lực 21/06/1969
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Bùi Quỳ
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 1969 

 

THÔNG TƯ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN LAO ĐỘNG VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ CÔNG NHÂN TRONG TÌNH HÌNH SỬA CHỮA, PHỤC HỒI, MỞ RỘNG VÀ XÂY DỰNG MỚI XÍ NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

-Các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất;
-Các Ủy ban hành chính khu , tỉnh, thành phố;
-Các Sở , Ty, Phòng lao động

Do yêu cầu của phát triển sản xuất và trước tình hình đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, nhiều cơ sở đã bị địch bắn phá đang gấp rút sửa chữa phục hồi; các xí nghiệp khác đang đẩy mạnh sản xuất và nhiều nơi được mở rộng; có xí nghiệp mới được xây dựng thêm.

Trong thời gian qua, ở các xí nghiệp nói trên, việc chấp hành các quy định về kỹ thuật an toàn vệ sinh công nghiệp chưa được coi trọng đúng mức, để tồn tại nhiều hiện tượng không an toàn và vệ sinh, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng và ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của công nhân :

- Ở các cơ sở sửa chữa, phục hồi sản xuất, nhiều nơi có những bức tường đổ lưng chừng, những mảng bê tông, tấm ngói, xà gỗ... rơi lơ lửng chưa được tháo dỡ ; những bộ phận, công trình sập đổ dở dang hoặc bị rạn nứt lớn, đặc biệt những cầu cống xe lửa, xe hơi đã bị đánh phá và sửa đi sửa lại nhiều lần chưa được xác định mức độ hư hỏng để có biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Mặt bằng sản xuất ngổn ngang gạch ngói, sắt thép. Có nơi công nhân đi lại, ra vào chỗ làm việc phải len lỏi dưới các công trình sập đổ dở dang, trong khi đó thì các đường dây điện bị địch đánh phá hư hỏng không được kiểm tra, thu dọn gọn gàng ; nhiều đoạn mắc tạm nhưng dây đã rách nát không được bọc lại cẩn thận, lại bắc quá thấp nên đã để xảy ra những vụ tai nạn chết người về điện.

Nhiều nơi có những máy móc thiết bị địch đánh phá hư hỏng nặng, sau khi sửa chữa không được kiểm nghiệm, xác định kỹ chất lượng đã đưa vào sử dụng; những thiết bị an toàn và vệ sinh bị mất hoặc hỏng, ngay cả những thiết bị đơn giản như rào chắn các thiết bị điện, bao che các bộ phận máy nguy hiểm, cũng không được phục hồi. Đối với những máy móc thiết bị khác, trong những năm có chiến tranh phá hoại của địch, nhiều nơi dựa vào hoàn cảnh thời chiến không thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để hư hỏng nhiều nay cũng không sửa chữa kịp thời; thêm vào đó, việc chấp hành các quy trình vận hành có nhiều chỗ lỏng lẻo, tùy tiện nên đã dẫn đến nhiều sự cố máy móc, có những trường hợp gây ra tai nạn lao động chết người.

- Các xí nghiệp mở rộng, nhiều nơi xây dựng nhà xưởng có tính chất tạm bợ, chắp vá, tiện đâu đặt đó, chẳng những không bảo đảm an toàn và vệ sinh cho chính bộ phận sản xuất mới xây dựng mà còn ảnh hưởng xấu đến điều kiện làm việc của công nhân ở các bộ phận chung quanh, như có nơi đã bố trí thêm những bộ phận mà trong quá trình sản xuất phát sinh nhiều bụi, hơi độc ở xen vào giữa các bộ phận sản xuất khác, ở ngay cạnh nhà tập thể của công nhân. Và thường là nối mái ở đầu nhà, mở rộng hiên để có thêm chỗ sản xuất, hoặc làm thêm nhà liền sát những nhà cũ nên đã chắn mất hướng thông gió và chiếu sáng thiên nhiên của những công trình cũ.

- Các xí nghiệp di chuyển sơ tán hoặc xây dựng mới trong những năm có chiến tranh phá hoại của địch, nhiều nơi không chú ý đến các điều kiện an toàn và vệ sinh ngay từ khi thiết kế xây dựng, nên khi đưa vào sản xuất để tồn tại nhiều vấn đề thường xuyên có nguy cơ gây ra tai nạn lao động và điều kiện làm việc của công nhân rất xấu như : máy móc bố trí quá chật, vị trí đặt máy không bảo đảm an toàn lao động, nhà cửa không vững chắc, có nơi khi mưa nước mưa hắt cả vào chỗ làm việc của công nhân. Có xí nghiệp hoá chất trong quá trình sản xuất toả ra nhiều bụi và hơi độc lại bố trí cạnh các xí nghiệp khác hoặc đặt ngay giữa khu vực nhân dân ở, nên đã ảnh hưởng không tốt đến điều kiện sản xuất và ăn ở của công nhân ở xí nghiệp bên cạnh và nhân dân ở chung quanh.

- Đáng chú ý nữa là trong thời gian vừa qua, nhiều xí nghiệp mới phát triển hoặc di chuyển sơ tán được đưa vào trong hang núi nhưng khi chọn hang không nghiên cứu kỹ, khi cải tạo xây dựng không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nên có nơi trong quá trình cải tạo để xây dựng xảy ra nhiều tai nạn do đá rơi, đá sập; và có nơi tuy đã mất nhiều công sức xây dựng, nhưng phải bỏ dở dang vì không bảo đảm an toàn sản xuất và an toàn lao động. Hoặc có nơi đưa cả một hệ thống sản xuất xi măng, có nơi đưa toàn bộ nhà máy điện vào trong hang núi nhưng không có biện pháp thông gió, chống nóng và chống bụi, việc bố trí thiết bị lại quá chật và không hợp lý làm cho chỗ công nhân đứng vận hành rất nóng và bụi nhiều nên khi mới chạy thủ một bộ phận mà đã có hiện tượng công nhân bị ngạt ngất.

Những thiếu sót tồn tại trên, một phần do hậu quả của chiến tranh, nhưng có nhiều  việc chủ yếu do cán bộ quản lý sản xuất ở các ngành; các cấp thiếu quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn và vệ sinh cho công nhân, chưa nỗ lực khắc phục khó khăn để giải quyết, có nơi lại dựa vào hoàn cảnh thời chiến để chấp hành tuỳ tiện các quy định về bảo hộ lao động của Nhà nước.

Bộ Lao động ra thông tư này hướng dẫn một số biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ cho công nhân trong tình hình sửa chữa, phục hồi, mở rộng và xây dựng mới xí nghiệp hiện nay và sau này.

I. CÁC BIỆN PHÁP CHUNG

1. Khi sửa chữa, phục hồi, mở rộng hoặc xây dựng mới xí nghiệp, phải có đầy đủ thiết kế; cơ quan phụ trách việc lập và xét duyệt thiết kế phải chấp hành đầy đủ các tiêu chuẩn trong các quy phạm về xây dựng, về phòng chữa cháy và các tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp như đã quy định trong điều 7 của điều lệ bảo hộ lao động ban hành theo Nghị định số 181-CP ngày 18 tháng 12 năm 1964 của Hội đồng Chính phủ.

2. Trong tình hình sửa chữa phục hồi và sản xuất khẩn trương, điều kiện làm việc có nhiều khó khăn,lại thêm công nhân mới nhiều, do đó, đi đôi với việc xây dựng đầy đủ các quy trình kỹ thuật an toàn cho từng ngành, nghề, nhất thiết các ngành, các xí nghiệp phải tổ chức tốt việc huấn luyện về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động cho công nhân, cho cán bộ như quy định trong Thông tư số 01-LĐ/TT ngày 26 tháng 01 năm 1968 của Bộ Lao động, và nhất thiết không giao việc cho những công nhân mới hoặc thay đổi ngành, nghề mà chưa được huấn luyện và sát hạch về kỹ thuật an toàn.

3. Cần chấp hành nghiêm chỉnh các thể lệ, chế độ bảo hộ lao động, các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn; chẳng những phải chú ý về mặt ngăn ngừa tai nạn lao động mà còn phải coi trọng đúng mức việc chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho công nhân, chống tư tưởng “thực hiện kế hoạch sản xuất với bất cứ giá nào”. Cần bố trí thì giờ làm việc một cách hợp lý để tận dụng được thời gian, đồng thời bảo đảm đầy đủ thì giờ học tập nghỉ ngơi của công nhân, cán bộ; và phải hết sức quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.

Muốn làm tốt việc này, các ngành, các cấp phải có biện pháp giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm về bảo hộ lao động cho cán bộ và công nhân; chú trọng biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác này. Các cơ sở sản xuất cần khôi phục lại các hình thức tuyên truyền mà nhiều nơi đã làm có tác dụng tốt như : làm đầy đủ các bản nội quy an toàn lao động cho từng ngành nghề, từng loại máy và treo ngay tại chỗ công nhân làm việc; những chỗ sản xuất nguy hiểm có tranh vẽ, khẩu hiệu về an toàn lao động; tổ chức phát thanh nhắc nhở thường xuyên về bảo hộ lao động; khi họp kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch sản xuất phải kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động.

Mặt khác, phải coi trọng đúng mức và thực hiện đều đặn công tác tự kiểm tra về kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp tại xí nghiệp như quy định trong Thông tư  số 13-TT/LB ngày 17 tháng 10 năm 1968 của Liên bộ Lao động – Y tế.

Đối với những cán bộ, công nhân không thực hiện đúng các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động, gây thiệt hại tính mạng của công nhân và tài sản của Nhà nước thì phải có hình thức kỷ luật thích đáng như quy định trong điều 37 và 38 của điều lệ bảo hộ lao động.

4. Các ngành, các cấp cần tiếp tục giáo dục cán bộ, công nhân đề cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng đối phó với việc giặc trở lại đánh phá miền Bắc ; các cơ sở sản xuất cần duy trì các biện pháp phòng không đã có nhằm bảo vệ công nhân.

II. CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN VÀ VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI CÔNG TRÌNH

A. VỀ SỬA CHỮA, PHỤC HỒI XÍ NGHIỆP.

1. Trước khi phục hồi, phải tổ chức kiểm tra và có biện pháp tháo gỡ hoặc phá các bom, đạn chưa nổ nằm trong khu vực xí nghiệp. Về việc này, các cơ sở cần liên hệ với các cơ quan quân sự để yêu cầu giúp đỡ phương tiện kiểm tra và kinh nghiệm giải quyết để tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

2. Các cơ sở bị địch đánh phá, khi phục hồi sản xuất, trước hết phải kiểm tra, xác định và phân loại mức độ hư hỏng của các công trình. Đối với những cơ sở có nhiều công trình lớn, tính chất hư hỏng phức tạp khả năng cơ sở không tự xác định được thì các Bộ, các ngành cần giúp đỡ cơ sở giải quyết vấn đề này.

Căn cứ vào mức độ hư hỏng của từng xí nghiệp để lập kế hoạch sửa chữa, phục hồi từng bước cho từng công trình. Phải chú trọng giải quyết ngay những phần công trình hư hỏng, có nhiều nguy cơ gây ra tai nạn lao động như tường bị đổ dở dang, các mảng bê tông, phibrô xi măng hoặc xà gỗ rơi lơ lửng. Những chỗ nguy hiểm chưa giải quyết được thì phải rào chắn, không để người qua lại. Những công trình hư hỏng, hiện đã bố trí sản xuất bên dưới, mà chưa được xác định mức độ hư hỏng thì phải kiểm tra lại ngay, và có biện pháp xử lý gấp những chỗ hư hỏng nặng trước mùa mưa bão để tránh sập đổ, gây ra tai nạn lao động và hư hỏng máy móc thiết bị.

3. Phải có biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động trong khi sửa chữa phục hồi, chú ý:

[...]