CHÍNH
PHỦ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
17/2007/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
SỐ 17/2007/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ
ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ PHỤC VỤ CỦA HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM BAN
HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 54/CP NGÀY 07 THÁNG 8 NĂM 1995 CỦA CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng12 năm 2001;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi bổ sung một
số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội
nhân dân Việt Nam
(Ban hành kèm theo Nghị định số 54/CP ngày 07 tháng 8 năm 1995 của Chính phủ)
như sau:
1. Sửa đổi,
bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:
"2. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự
bị được chia thành quân nhân dự bị hạng một và quân nhân dự bị hạng hai:
a) Quân nhân dự bị hạng một gồm:
Hạ sĩ quan, binh sĩ đã phục vụ tại
ngũ đủ thời hạn hoặc trên thời hạn quy định; hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước
thời hạn, nhưng đã phục vụ tại ngũ trên 06 tháng; hạ sĩ quan, binh sĩ đã trải
qua chiến đấu; nam quân nhân dự bị hạng hai đã trải qua huấn luyện tập trung đủ
06 tháng.
b) Quân nhân dự bị hạng hai gồm:
Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước
thời hạn nhưng đã phục vụ tại ngũ dưới 06 tháng; công dân nam chưa phục vụ tại
ngũ từ 26 tuổi trở lên được chuyển sang ngạch dự bị; công dân nữ đã đăng ký
nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 4 của Luật Nghĩa vụ quân
sự".
2. Sửa đổi,
bổ sung khoản 3 Điều 2 như sau:
"3. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự
bị ở mỗi hạng được chia thành hai nhóm:
Nhóm A: gồm những công dân nam đến
hết 35 tuổi; công dân nữ đến hết 30 tuổi;
Nhóm B: gồm những công dân nam từ
36 tuổi đến hết 45 tuổi; công dân nữ từ 31 tuổi đến hết 40 tuổi".
3. Sửa đổi,
bổ sung Điều 6 như sau:
"Điều 6:
1. Cấp bậc quân hàm và chức vụ của
hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như sau:
a) Binh nhì, binh nhất: Chiến
sĩ;
b) Hạ sĩ: Phó Tiểu đội trưởng;
c) Trung sĩ: Tiểu đội trưởng;
d) Thượng sĩ: Phó Trung đội trưởng.
2. Cấp bậc quân hàm và chức vụ
tương đương với chức vụ quy định tại khoản 1 Điều này do Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng quy định".
4. Sửa đổi,
bổ sung Điều 8 như sau:
"Điều 8. Hạ sĩ quan,
binh sĩ vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật của Nhà nước bị xử phạt theo Điều lệnh
quản lý bộ đội của Quân đội nhân dân Việt Nam
và pháp luật của Nhà nước".
5. Sửa đổi, bổ
sung Điều 16 như sau:
''Điều 16. Hạ sĩ quan,
binh sĩ tại ngũ được hưởng các chế độ theo Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng
12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày
21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân
sự ngày 22 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ
quân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005 và chế độ, chính sách quy định tại các Nghị định
của Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Được đảm bảo cung cấp kịp thời
tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo quy định tại Nghị định số 123/2003/NĐ-CP ngày
22 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ.
2. Từ năm thứ hai trở đi được đi
phép.
3. Khoản phụ cấp thêm từ tháng
thứ 19 và tháng thứ 25 trở đi thực hiện theo quy định tại khoản
1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 122/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 10
năm 2006 của Chính phủ.
4. Được tính nhân khẩu trong gia
đình khi gia đình được cấp hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở
và đất canh tác.
5. Thời gian phục vụ tại ngũ của
hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội .
6. Được ưu tiên mua vé đi lại bằng
các phương tiện giao thông thuộc các thành phần kinh tế.
7. Được ưu đãi về bưu phí theo
quy định của Thủ tướng Chính phủ".
6. Sửa đổi, bổ
sung Điều 17 như sau:
"Điều 17. Hạ sĩ
quan, binh sĩ khi xuất ngũ được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 122/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2006 của
Chính phủ".
7. Sửa đổi, bổ
sung Điều 18 như sau:
"Điều 18. Hạ sĩ
quan, binh sĩ có thời hạn phục vụ tại ngũ 24 tháng khi xuất ngũ được hưởng
chính sách theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số
122/2006/NĐ- CP ngày 26 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ".
8. Sửa đổi
Điều 19 như sau:
"Bãi bỏ Điều
19 quy định về nghĩa vụ lao động công ích".
9. Sửa đổi,
bổ sung Điều 20 như sau:
"Điều 20. Quân nhân
dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu,
gia đình được trợ cấp như sau:
1. Đối với quân nhân dự bị hạng
1:
a) Quân nhân dự bị hạng 1 đang
hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số
0,05 so với mức tiền lương tối thiểu;
b) Quân nhân dự bị hạng 1 không
hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số
0,1 so với mức tiền lương tối thiểu;
2. Đối với quân nhân dự bị hạng
2:
a) Quân nhân dự bị hạng 2 đang
hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số
0,025 so với mức tiền lương tối thiểu;
b) Quân nhân dự bị hạng 2 không
hưởng tiền lương, tiền công thì gia đình được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số
0,05 so với mức tiền lương tối thiểu".
Điều 2. Nghị
định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, các quy định
trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 4. Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|