Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 163/1999/NĐ-CP về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp

Số hiệu 163/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 16/11/1999
Ngày có hiệu lực 01/12/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 163/1999/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT LÂM NGHIỆP CHO TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN SỬ DỤNG ỔN ĐỊNH, LÂU DÀI VÀO MỤC ĐÍCH LÂM NGHIỆP

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về việc Nhà nước giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất lâm nghiệp.

Điều 2. Đất lâm nghiệp

Đất lâm nghiệp quy định trong Nghị định này gồm:

1. Đất có rừng tự nhiên, đất đang có rừng trồng.

2. Đất chưa có rừng được quy hoạch để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp như trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ để phục hồi tự nhiên, nghiên cứu thí nghiệm lâm nghiệp.

Điều 3. Mục đích sử dụng đất lâm nghiệp

Nhà nước giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, gồm các loại đất lâm nghiệp sau:

1. Đất rừng đặc dụng là vùng đất lâm nghiệp quy hoạch xây dựng, phát triển rừng để bảo tồn thiên nhiên; mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia; nguồn gen thực vật, động vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, bao gồm:

a) Vườn quốc gia;

b) Khu rừng bảo tồn thiên nhiên;

c) Khu rừng văn hoá - lịch sử - môi trường (bảo vệ cảnh quan).

2. Đất rừng phòng hộ là vùng đất lâm nghiệp quy hoạch xây dựng, phát triển rừng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bao gồm:

a) Phòng hộ đầu nguồn được phân thành vùng phòng hộ rất xung yếu, vùng phòng hộ xung yếu, vùng phòng hộ ít xung yếu;

b) Phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;

c) Phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

d) Phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

3. Đất rừng sản xuất là vùng đất lâm nghiệp quy hoạch chủ yếu để sản xuất kinh doanh cây rừng, các loại lâm sản khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Điều 4. Đối tượng được Nhà nước giao đất lâm nghiệp

Nhà nước giao đất lâm nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng sau:

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, làm muối mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ các hoạt động sản xuất đó, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất lâm nghiệp xác nhận;

[...]