Quyết định 187/1999/QĐ-TTg về đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 187/1999/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/09/1999
Ngày có hiệu lực 01/10/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Công Tạn
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 187/1999/QĐ-TTG NGÀY 16 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 30 tháng 4 năm 1995;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 2 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ quy định về sắp xếp lại tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Mục tiêu:

Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh nhằm mục tiêu: nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của lâm trường, làm tốt vai trò nòng cốt trong sản xuất lâm nghiệp, làm trung tâm dịch vụ vật tư, kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức hộ gia đình và cá nhân sản xuất lâm, nông nghiệp, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Điều 2. Nguyên tắc đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý lâm trường quốc doanh:

1. Tiếp tục duy trì, củng cố các lâm trường quốc doanh ở những vùng đất lâm nghiệp tập trung quy mô lớn, cần Nhà nước trực tiếp quản lý và đầu tư mà các thành phần kinh tế khác khó có khả năng thực hiện; ở vùng sâu, vùng xa để làm hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.

2. Bảo đảm cho lâm trường quốc doanh phát huy được quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh; người lao động lâm nghiệp thật sự là người chủ cụ thể của từng khu rừng nhận khoán, xoá bỏ bao cấp của Nhà nước trong các hoạt động kinh doanh của lâm trường.

3. Bảo đảm giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa người lao động với Nhà nước và lâm trường, giữa lâm trường với địa phương.

Điều 3. Tổ chức sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh hiện có:

1. Các lâm trường quốc doanh được duy trì, củng cố để hoạt động theo cơ chế kinh doanh:

a) Những lâm trường quốc doanh đang quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuất và phòng hộ ít xung yếu.

b) Những lâm trường quốc doanh trồng rừng nguyên liệu công nghiệp.

Nhiệm vụ chính của các lâm trường quốc doanh là gây trồng, bảo vệ nuôi dưỡng rừng, khai thác chế biến lâm sản, cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng khác của nền kinh tế quốc dân.

Ngoài các nhiệm vụ chính, các lâm trường được kinh doanh tổng hợp nông, lâm, ngư, công nghiệp và dịch vụ để sử dụng có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai và vốn rừng được giao.

Đối với diện tích rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu phân bố xen kẽ với rừng sản xuất và rừng phòng hộ ít xung yếu của lâm trường, có diện tích chưa đến 5.000 ha để thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ thì tiếp tục giao cho lâm trường quốc doanh quản lý theo quy chế rừng phòng hộ.

Việc bảo vệ, gây trồng rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu được coi là hoạt động công ích, do lâm trường thực hiện theo nhiệm vụ Nhà nước giao.

2. Chuyển đổi các lâm trường quốc doanh thành Ban quản lý rừng phòng hộ

Chuyển đổi lâm trường quốc doanh có 5.000 ha trở lên hoặc có trên 70% diện tích đất lâm nghiệp đang quản lý thuộc quy hoạch vùng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu (được xác lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ) thành Ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu. Diện tích rừng sản xuất và đất lâm nghiệp xen kẽ với rừng phòng hộ cũng giao cho Ban quản lý gây trồng, bảo vệ, khai thác sử dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách.

3. Chuyển đổi lâm trường quốc doanh sang loại hình tổ chức kinh doanh khác:

Các lâm trường quốc doanh đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, quản lý diện tích rừng và đất quy hoạch để gây trồng rừng sản xuất từ 1.000 ha trở xuống, phân bố xen kẽ với đất nông nghiệp và gần khu dân cư, thì chuyển đổi thành loại hình tổ chức kinh doanh thích hợp để dịch vụ cho sản xuất nông, lâm, công nghiệp.

Khi chuyển đổi, phải có phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định nhu cầu đất sử dụng cho hoạt động của tổ chức mới, chuyển giao rừng và phần diện tích đất còn lại cho chính quyền địa phương để giao hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cùng với cơ quan chủ quản của các lâm trường (nếu có), rà soát lại diện tích đất và rừng của các lâm trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm rõ ranh giới trên bản đồ và trên thực địa phần đất giao cho lâm trường quản lý.

Đến hết năm 2000, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với giao rừng cho lâm trường quốc doanh dưới sự hướng dẫn của Tổng cục Địa chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phần đất và rừng còn lại lâm trường chuyển giao lại cho chính quyền địa phương để giao hoặc cho các tổ chức, hộ gia đình cán bộ công nhân viên lâm trường, hộ nông dân trên địa bàn thuê, sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Giao quyền quản lý sử dụng rừng ổn định lâu dài cho lâm trường quốc doanh trên cơ sở quy hoạch ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất), phân loại rừng theo trạng thái, xác định rõ diện tích và chất lượng rừng cụ thể làm căn cứ để kiểm tra các lâm trường trong việc bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng rừng theo quy chế hiện hành.

[...]