Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị định 141-CP năm 1963 ban hành điều lệ quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông do của Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 141-CP
Ngày ban hành 26/09/1963
Ngày có hiệu lực 11/10/1963
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 141-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 1963

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY NÔNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và văn hóa trong nước và yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ ngày 14 tháng 8 năm 1963;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.  Nay ban hành kèm theo nghị định này bản điều lệ về quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông.

Điều 2. Ông Bộ trưởng bộ Thuỷ lợi quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bản điều lệ này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

 

ĐIỀU LỆ

QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY NÔNG
(Ban hành kèm theo nghị định số 141-CP ngày 26/9/1963  của Hội đồng Chính phủ)

Điều 1. Thủy lợi là biện pháp hàng đầu trong công nghiệp; xây dựng và quản lý tốt các công trình thủy lợi là tạo điều kiện vật chất và kỹ thuật cho nông nghiệp phát triển. Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, Nhà nước cùng nhân dân ta đã bỏ ra nhiều công, của để phục hồi các công trình thủy lợi cũ và xây dựng nhiều công trình mới; diện tích được tưới nước mỗi năm một mở rộng thêm. Nhưng nhìn chung, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình làm chưa tốt: nhiều công trình bị hư hỏng, tu bổ sửa chữa không kịp thời; mạng lưới kênh mương trong hệ thống chưa đủ hoặc chưa hoàn chỉnh; kỹ thuật tưới và chế độ tưới khoa học chưa được áp dụng rộng rãi; do đó chưa kịp thời phát huy tác dụng của công trình để mở rộng diện tích tưới, tiêu và nâng cao chất lượng tưới nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.

Điều lệ này đặt ra những quy định cơ bản trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông; trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và các cơ quan quản lý nông giang; xác định nghĩa vụ của nhân dân nhằm phát huy tác dụng của công trình, phục vụ tốt cho việc tưới, tiêu khoa học, tăng diện tích và tăng sản lượng cây trồng, kết hợp cải tạo chất đất từng bước và lợi dụng tổng hợp các nguồn nước trong việc giao thông vận tải, làm thủy điện, nuôi cá… để góp phần đưa nông nghiệp tiến lên nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội.

Chương 2:

NỘI DUNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỦY NÔNG

Điều 2. Điều lệ này áp dụng cho tất cả các loại hệ thống thủy nông có liên quan đến nhiều địa phương hay nhiều hợp tác xã bao gồm từ công trình đầu mối như cống, đập, hồ nước, trạm bơm.. đến màng lưới kênh mương và các công trình phụ thuộc.

Điều 3. Công tác quản lý thủy nông gồm ba mặt:

- Quản lý công trình,

- Quản lý nước,

- Quản lý kinh doanh,

Điều 4. Về quản lý công trình.

a) Trong quá trình xây dựng công trình, cơ quan quản lý phải cử người chuyên trách theo dõi thi công để nghiệm thu, đồng thời chuẩn bị bộ máy quản lý để khai thác được tốt khả năng của công trình ngay sau khi hoàn thành.

b) Cơ quan quản lý phải xây dựng xong lý lịch công trình và các quy định kỹ thuật về việc quản lý, khai thác trong thời hạn ba tháng sau khi đã nghiệm thu toàn bộ công trình.

c) Đối với các công trình cũ hiện chưa có các quy định kỹ thuật về quản lý, khai thác thì phải xây dựng xong chậm nhất là ba tháng sau khi ban hành điều lệ này.

d) Ngoài việc thường xuyên theo dõi và tu bổ công trình, hàng năm phải tiến hành hai đợt kiểm tra trước và sau mùa lũ, kịp thời đặt kế hoạch bảo quản sửa chữa.

Điều 5. Về quản lý nước:

a) Ủy ban hành chính các cấp địa phương phải khẩn trương lãnh đạo xây dựng màng lưới kênh mương, bờ vùng và các công trình phụ thuộc theo quy hoạch phát huy tác dụng hệ thống của địa phương. Thời gian hoàn thành màng lưới này chậm nhất là một năm kể từ khi xây dựng xong các công trình mấu chốt; đối với các công trình cũ thì kể từ ngày ban hành điều lệ này.

[...]