Thông tư 31-TL năm 1963 hướng dẫn thi hành Nghị định 141-CP ban hành “Điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông” do Bộ Thủy lợi ban hành

Số hiệu 31-TL
Ngày ban hành 08/10/1963
Ngày có hiệu lực 23/10/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thuỷ lợi
Người ký Trần Quý Kiên
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

BỘ THỦY LỢI
*******

Số: 31-TL

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1963

 

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 141-CP NGÀY 26-09-1963 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH “ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY NÔNG”

Bản điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy nông vừa được Hội đồng Chính phủ ban hành, là văn bản của Nhà nước, có tính chất pháp lý, tương đối toàn diện, trong đó quy định những điểm căn bản về công tác quản lý và khai thác các công trình thủy nông.

Trong khuôn khổ một bản điều lệ của Chính phủ không thể nói lên và quy định các điểm chi tiết, vậy chiều theo điều 2 của nghị định số 141-CP ngày 26-09-1963 nói trên, bộ Thủy lợi giải thích rõ để Ủy ban hành chính tỉnh, thành, các ty thủy lợi, các ban quản trị nông giang nghiên cứu thi hành đúng với tinh thần của bản điều lệ của Chính phủ về mọi mặt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy nông, và về các điểm có liên quan đến các ngành Nông nghiệp, Công an, Giao thông v.v…

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Điều 1 của bản điều lệ đã nêu rõ mục đích ý nghĩa ở đây, cần nói rõ thêm:

1. Nói thủy lợi là biện pháp hàng đầu trong nông nghiệp không những chỉ có nghĩa là công trình thủy lợi cần có để bảo đảm kế hoạch sản xuất nông nghiệp, mà còn bao gồm ý nghĩa chế độ và kỹ thuật tưới tiêu, đúng lúc, đúng tiền lương là biện pháp hàng đầu trong các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp liên hoàn, và từ đó, thấy sự cần thiết có màng lưới kênh mương và công trình nhỏ phụ thuộc để thực hiện được các chế độ tưới đó, nhằm tăng sản lượng cây trồng kết hợp với việc cải tạo chất đất từng bước.

2. Chỗ nào chưa có công trình, thì tất nhiên việc đầu tiên là phải nghĩ tới việc xây dựng công trình. Nhưng khi đã có công trình, thì cần phải thấy hết các vấn đề cần thiết để sử dụng tốt các công trình đó, nghĩa là:

a) Tùy nhu cầu mỗi lúc và của mỗi loại cây trồng của mỗi vụ, của mỗi chất đất, mà áp dụng các chế độ và kỹ thuật tưới tiêu hợp lý nhất;

b) Đồng thời, giữ được công trình luôn luôn tốt, phòng ngừa và hạn chế được các hư hỏng có thể xẩy ra, thường xuyên nghiên cứu cải tiến và phát huy tác dụng công trình.

3. Sau Đại hội lần thứ III của Đảng, hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc họp ở Hưng Yên tháng 08-1961, đã đề ra đường lối công tác thủy lợi của ta trong giai đoạn này: “Phát triển đi đôi với củng cố, xây dựng đi đôi với quản lý”. Đường lối đó đúng, nhưng hiện nay, công tác quản lý và khai thác các công trình đã có chưa được coi trọng đúng mức và chưa đuổi kịp đã xây dựng công trình mới. Đó là một việc không hợp lý, ảnh hưởng không tốt đến các kế hoạch sản xuất nông nghiệp của ta.

4. Việc Chính phủ ban hành bản điều lệ này nói lên sự quan tâm rất đúng mức của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tốt các cơ sở vật chất và kỹ thuật thủy lợi đã xây dựng, để góp phần đưa nông nghiệp tiến lên nhanh chóng, mạnh mẽ và vững chắc, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

A. PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA BẢN ĐIỀU LỆ

Điều 2 quy định rõ: “Điều lệ này áp dụng cho tất cả các loại hệ thống thủy nông có liên quan đến nhiều địa phương hay nhiều hợp tác xã, bao gồm từ công trình đầu mối như cống, đập, hồ nước, trạm bơm, v.v… đến màng lưới kênh mương và công trình phụ thuộc”.

1. Các loại hệ thống thủy nông nói ở đây gồm cả các hệ thống đại thủy nông, các hệ thống và các công trình trung thủy nông, tiểu thủy nông.

Phạm vi áp dụng của bản điều lệ của Chính phủ rất rộng, và việc quản lý, khai thác các công trình thủy nông loại lớn, loại vừa, loại nhỏ, đều phải theo các quy định cơ bản của điều lệ; nhưng khi vận dụng vào từng hệ thống từng công trình cần phải có mức độ khác nhau. Ví dụ: đối với một hệ thống đại thủy nông thì cần phải có đủ quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác chung cho toàn bộ hệ thống và các quy định kỹ thuật áp dụng riêng cho từng công trình quan trọng trong hệ thống; việc quan trắc lún, xê dịch nghiêng v.v… có phần làm bằng mắt, nhưng có nhiều phần phải tiến hành bằng máy v.v… đối với một công trình trung thủy nông chỉ cần có một bản quy định kỹ thuật đơn giản; còn đối với một công trình tiểu thủy nông chỉ cần một nội quy quản lý và bảo vệ công trình gọn, dễ hiểu và việc quan trắc thường xuyên có thể làm bằng mắt v.v…

2. Riêng đối với các công trình (cống nhỏ, đập nhỏ, mương máng) chỉ liên quan đến một hợp tác xã, thì việc quản lý và khai thác sẽ do hợp tác xã hoàn toàn phụ trách; các cơ quan thủy lợi nhất là các cán bộ thủy lợi huyện, xã có nhiệm vụ tích cực giúp đỡ.

B. QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH

Điều 4 của bản điều lệ quy định 4 điểm rất quan trọng về công tác quản lý công trình.

a) “Trong quá trình xây dựng công trình, cơ quan quản lý phải cử người chuyên trách theo dõi thi công để nghiệm thu, đồng thời chuẩn bị bộ máy quản lý để khai thác được tốt khả năng của công trình ngay sau khi hoàn thành”.

1. Cử người theo dõi thi công để nghiệm thu: Đối với các công trình bổ sung cho các hệ thống đang khai thác (như việc xây dựng âu thuyền Neo trong hệ thống Bắc Hưng Hải, hay cống Lân thuộc hệ thống Thái Bình Nam, v.v… thì cán bộ theo dõi là cán bộ kỹ thuật chuyên trách về công tác quản lý công trình của các quản trị hệ thống nông giang sở quan; đối với các công trình mới xây dựng, chưa có ban quản trị nông giang thì cán bộ theo dõi sẽ do ty thủy lợi sở tại cử và lấy trong số cán bộ kỹ thuật sẽ bố trí vào bộ máy quản lý sau khi công trình hoàn thành (như hệ thống Đan hoài ở Hà Đông, hệ thống Nam sông mã ở Thanh Hóa v.v…).

Người cán bộ theo dõi này phải tham gia nghiệm thu từng bộ phận công trình, có sổ riêng ghi chép các quyết định về thay đổi đồ án thiết kế và các biến chuyển công trình trong từng thời gian thi công, đồng thời chuẩn bị từng bước hồ sơ lý lịch công trình đó để đến lúc công trình hoàn thành thì hồ sơ lý lịch cũng đã căn bản xong.

2. Về chuẩn bị bộ máy quản lý: Đối với các công trình bổ sung cho các hệ thống đại thủy nông đang khai thác, thì việc chuẩn bị bộ máy quản lý sẽ do các ban quản trị nông giang trực thuộc Bộ (Bắc Hưng Hải, Hà Đông, Hà Nam) hay trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, phụ trách. Đối với các hệ thống khác trực thuộc ty thủy lợi hay các hệ thống công trình mới xây dựng thì việc chuẩn bị bộ máy quản lý sẽ do ty thủy lợi sợ tại phụ trách. Riêng các hệ thống lớn mới xây dựng thì do Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn bị bộ máy quản lý.

Bộ máy quản lý chuẩn bị đây không cần phải đầy đủ ngay trước khi hoàn thành công trình, nhưng điểm quan trọng là trước khi tiếp thu công trình ít nhất là ba tháng, Hội đồng quản trị liên tỉnh hay Ủy ban hành chính tỉnh, thành, phải quy định hay đề nghị Bộ quy định số biên chế mới cần thiết, và trên cơ sở đó, tuyển dụng hay xin chuyển dần số cán bộ và công nhân đã được duyệt để chậm nhất là 15 ngày trước khi tiếp thu toàn bộ công trình, bộ máy quản lý căn bản có đủ số người cần thiết và đã phải chuẩn bị xong các mặt để có thể sử dụng tốt công trình.

b) và c) - Điều b và c quy định thời gian phải xây dựng xong lý lịch công trình và các quy định kỹ thuật về quản lý và khai thác; đối với các công trình mới 3 tháng sau khi nghiệm thu toàn bộ công trình; đối với các công trình cũ, ba tháng sau khi ban hành điều lệ này:

1. Về lý lịch công trình: Lý lịch một hệ thống nông giang hay công trình thủy nông là một hồ sơ tổng hợp các tài liệu dưới đây:

- Tài liệu về thiết kế: Các bản nhiệm vụ thiết kế, các tài liệu cơ bản về thủy văn, về địa chất, về diện tích, về yêu cầu tưới tiêu, yêu cầu giao thông vận tải v.v… đã sử dụng trong khi xây dựng đồ án, các bản thuyết minh kỹ thuật và các bản đồ 1/25.0000 hay 1/100.000 ghi rõ vị trí các công trình, các kênh mương, diện tích tưới, tiêu từng khu vực v.v…

- Tài liệu về thi công: Các bản về chi tiết các bộ phận công trình, lập thêm trong quá trình thi công như khớp nối bộ máy đóng mở v.v… các sổ ghi chép, các biểu đồ chỉ rõ các biến chuyển trong khi thi công và các bản vẽ bổ sung hay thay đổi đồ án thiết kế; các biên bản nghiệm thu từng bộ phận và toàn bộ công trình cùng các bản phụ lục v.v…

- Tài liệu về quá trình quản lý công trình: Đối với các công trình đã khai thác, ngoài các tài liệu về thiết kế và thi công nói trên, hồ sơ lý lịch còn gồm cả các tài liệu về quá trình quản lý. Các tài liệu này là: các hồ sơ và đồ án tu sửa công trình; các biên bản, các tờ trình về kiểm tra công trình kèm theo các bản vẽ và các phụ bản khác; các tài liệu về quan trắc theo dõi công trình, các tài liệu tổng hợp về thủy văn và về khí tượng (Mức nước lưu lượng, lượng mưa, cao nhất, thấp nhất, bình quân từng thời gian, v.v…) Các kế hoạch phân phối nước; các bản đồ công trình, bản đồ phân khu tưới tiêu, bản đồ hành chính có địa giới huyện, xã, sông ngòi, đường giao thông địa phương v.v… các bản sơ kết công tác hàng quý và tổng kết hàng năm v.v…

[...]