Quyết định 87/2004/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 87/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/05/2004
Ngày có hiệu lực 13/06/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 87/2004/QĐ-TTG NGÀY 19 THÁNG 5 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG TẠI VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trái với Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)


QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư và xây dựng, cung cấp vật tư - thiết bị công nghệ kèm theo dịch vụ kỹ thuật liên quan đến công trình xây dựng, thi công xây dựng công trình.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định tại Quy chế này thì áp dụng theo Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. "Nhà thầu nước ngoài" là tổ chức, cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự; đối với cá nhân còn phải có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng. Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của nhà thầu nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà nhà thầu có quốc tịch.

Nhà thầu nước ngoài có thể là nhà thầu chính, tổng thầu, nhà thầu liên danh, nhà thầu phụ.

2. "Nhà thầu chính" là nhà thầu có quan hệ hợp đồng nhận thầu trực tiếp với chủ đầu tư.

3. "Tổng thầu" là nhà thầu ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng công trình để nhận thầu toàn bộ một loại công việc hoặc toàn bộ công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình. Tổng thầu bao gồm các hình thức chủ yếu sau : tổng thầu thiết kế; tổng thầu thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình; tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; tổng thầu lập dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình.

4. "Nhà thầu liên danh" là tổ chức (không phải pháp nhân) bao gồm các nhà thầu nước ngoài hoặc nhà thầu nước ngoài với nhà thầu Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên danh để cùng dự thầu và cùng thực hiện một hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam. Trong hợp đồng liên danh phải quy định rõ trách nhiệm chung và riêng của các nhà thầu tham gia trong liên danh đối với công việc nhận thầu của liên danh, đồng thời xác định nhà thầu đứng đầu lãnh đạo liên danh.

5. "Nhà thầu phụ" là nhà thầu có quan hệ hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu để thực hiện một phần công việc của nhà thầu chính hoặc tổng thầu.

6. "Văn phòng điều hành" là văn phòng của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động tại địa phương có công trình để thực hiện nhiệm vụ nhận thầu sau khi được cấp giấy phép thầu. Văn phòng điều hành chỉ tồn tại trong thời gian thực hiện hợp đồng và giải thể khi thanh lý hợp đồng.

7. "Người được uỷ quyền" là người được nhà thầu nước ngoài uỷ quyền giao dịch tại Việt Nam nhân danh nhà thầu nước ngoài. Việc uỷ quyền phải phù hợp với pháp luật Việt Nam.

[...]