Nghị định 13/2001/NĐ-CP về bảo hộ giống cây trồng mới

Số hiệu 13/2001/NĐ-CP
Ngày ban hành 20/04/2001
Ngày có hiệu lực 05/05/2001
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ,Tài nguyên - Môi trường,Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 13/2001/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 2001 VỀ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG MỚI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH :


Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Nghị định này ban hành nhằm bảo hộ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc có quyền thừa kế hợp pháp các giống cây trồng mới trên lãnh thổ Việt Nam (bao gồm giống cây nông nghiệp và giống cây lâm nghiệp, trong Nghị định này được gọi là giống cây trồng mới); khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư chọn tạo, sử dụng giống cây trồng mới; góp phần phát triển nông nghiệp và nông thôn.

2. Nghị định này quy định các nguyên tắc, điều kiện được cấp Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới (gọi tắt là Văn bằng bảo hộ); trình tự, thủ tục cấp Văn bằng bảo hộ; quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ; đình chỉ, huỷ bỏ Văn bằng bảo hộ; quản lý Nhà nước và xử phạt liên quan đến bảo hộ giống cây trồng mới.

3. Giống cây trồng mới của các tổ chức, cá nhân thuộc các nước cùng Việt Nam ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

4. Giống cây trồng mới do tổ chức, cá nhân trong nước chọn tạo có liên quan đến lợi ích của quốc gia cần bảo mật được thực hiện theo quy định riêng của Nhà nước.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Giống cây trồng" là nhóm cây trồng trong cùng một cấp thấp nhất về phân loại thực vật, nhóm cây trồng đó cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Nhận biết được bằng sự biểu hiện của các đặc tính do kiểu gen quy định;

b) Phân biệt được với bất kỳ nhóm cây trồng nào khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính như đã nêu tại điểm a khoản này;

c) Ổn định trong quá trình nhân giống.

2. "Giống cây trồng mới" là giống cây trồng có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và chưa được biết đến rộng rãi.

3. "Giống cây trồng mới được bảo hộ" là giống cây trồng mới được cấp Văn bằng bảo hộ.

4. "Giống cây trồng có nguồn gốc thực chất từ giống được bảo hộ" là giống cây trồng mới được tạo ra từ giống được bảo hộ (giống ban đầu) bằng một số phương pháp chọn tạo, ví dụ: chọn lọc biến dị (các đột biến tự nhiên hay nhân tạo, các biến dị soma, chọn lọc cá thể biến dị từ cây ban đầu), lai trở lại, chuyển nạp gen, dung hợp tế bào, về cơ bản vẫn giữ được các đặc tính như giống ban đầu, chỉ khác biệt với giống ban đầu ở một hoặc một số ít đặc tính.

5. "Giống cây trồng được biết đến rộng rãi" bao gồm:

a) Những giống cây trồng mới được Nhà nước bảo hộ;

b) Những giống cây trồng mới có đơn yêu cầu bảo hộ được cơ quan có thẩm quyền công bố trên tạp chí chuyên ngành;

c) Những giống cây trồng được công nhận giống quốc gia;

d) Những giống cây trồng đặc sản địa phương được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận;

đ) Những giống quy định tại điểm a, điểm b khoản này của những nước có ký kết hiệp định về Bảo hộ giống cây trồng mới với Việt Nam.

6. "Vật liệu nhân" là cây hoàn chỉnh hoặc các bộ phận của cây như: hạt, cây giống, cành chiết, mắt ghép, mô, tế bào, củ mầm, đoạn thân được sử dụng để sản xuất ra các cây trồng mới.

[...]