Nghị định 127/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng

Số hiệu 127/2017/NĐ-CP
Ngày ban hành 16/11/2017
Ngày có hiệu lực 01/01/2018
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC NIÊM PHONG, MỞ NIÊM PHONG VẬT CHỨNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến niêm phong, mở niêm phong vật chứng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Niêm phong vật chứng là việc bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng bằng cách:

a) Đưa vật chứng vào trạng thái được bảo vệ an toàn, bao gồm gói, đóng hộp, đưa vào thùng, chai, lọ và các hình thức khác (gọi là đóng gói, đóng kín) và dán giấy niêm phong đè lên nhũng phần có thể mở để lấy, đổi vật chứng hoặc có thể tác động làm thay đổi tính nguyên vẹn của vật chứng;

b) Đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng;

c) Đối với một số loại vật chứng có thể sử dụng khóa, kẹp dây chì, dây thép và các hình thức khác để bao bọc vật chứng sau đó dán giấy niêm phong.

2. Mở niêm phong vật chứng là gỡ giấy niêm phong và mở đóng gói hoặc đóng kín vật chứng đối với vật chứng được đóng gói hoặc đóng kín; gỡ giấy niêm phong đối với vật chứng không đóng gói hoặc không đóng kín hoặc không di chuyển được.

3. Giấy niêm phong là giấy có tính bền vững cao, trên đó ghi tên cơ quan chủ trì tổ chức niêm phong vật chứng, họ tên, chữ ký hoặc điểm chỉ (kèm chú thích họ tên người điểm chỉ) của những người tổ chức thực hiện niêm phong vật chứng, người tham gia niêm phong vật chứng, thời gian niêm phong vật chứng và đóng dấu của cơ quan chức năng.

4. Người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng là người được cơ quan, người có thẩm quyền giao tiến hành tố tụng hình sự, thi hành án.

Điều 4. Nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng

1. Chỉ thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng khi có yêu cầu phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

2. Bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của Nghị định này.

3. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.

[...]