Nghị định 117/2008/NĐ-CP về phòng thủ dân sự

Số hiệu 117/2008/NĐ-CP
Ngày ban hành 14/11/2008
Ngày có hiệu lực 11/12/2008
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 117/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nhiệm vụ; cơ chế bảo đảm đầu tư; tổ chức, huấn luyện; phòng chống khắc phục hậu quả các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, sinh học (gọi chung là vũ khí hủy diệt lớn) và các thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) trong phòng thủ dân sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân là người nước ngoài sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phòng thủ dân sự: là bộ phận của hệ thống phòng thủ quốc gia, gồm các biện pháp chủ động phòng, chống chiến tranh hoặc thảm họa do thiên nhiên hoặc do con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hoạt động của cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

2. Thảm họa: là những biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường tự nhiên.

Điều 4. Nguyên tắc, phương châm hoạt động phòng thủ dân sự

1. Tuân thủ hoạt động quốc phòng, an ninh do pháp luật quy định.

2. Phòng thủ dân sự đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

3. Phòng thủ dân sự được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và theo vùng lãnh thổ. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng thủ dân sự.

4. Thực hiện phương châm phòng là chính; phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ; tích cực, chủ động, kịp thời phòng tránh, khắc phục hậu quả.

Điều 5. Quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự

1. Nội dung quản lý nhà nước:

a) Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về phòng thủ dân sự;

b) Lập quy hoạch, kế hoạch chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự;

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, kiến thức về phòng thủ dân sự đến toàn dân;

d) Chỉ đạo, điều hành phòng thủ dân sự;

đ) Quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bảo đảm cho phòng thủ dân sự;

[...]