Dự thảo Luật Nhà giáo

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 12/07/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Giáo dục

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:        /20…/QH15

  Hà Nội, ngày        tháng       năm 20…

DỰ THẢO 2

 

 

LUẬT NHÀ GIÁO

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với:

1. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; cơ quan quản lý giáo dục; cơ sở giáo dục.

3. Tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nhà giáo

1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Giáo dục) và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định.

2. Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên.

3. Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ cao đẳng trở lên và nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọi là giảng viên.

Điều 4. Vị trí, vai trò của nhà giáo

1. Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.

2. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.  Cán bộ quản lý giáo dục là người làm việc trong các cơ quan quản lý giáo dục, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục theo phạm vi thẩm quyền được giao.

2.  Người đứng đầu cơ sở giáo dục là nhà giáo và là người đại diện trước pháp luật của cơ sở giáo dục, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục theo chức năng nhiệm vụ, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.

3.  Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là người được bổ nhiệm hoặc công nhận giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong cơ sở giáo dục và được hưởng lương theo chức vụ quản lý.

4. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục).

5. Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

6. Chuẩn nhà giáo hệ thống phẩm chất, năng lực mà nhà giáo cần đạt được để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các cơ sở giáo dục.

7. Đề án vị trí việc làm do cơ sở giáo dục xây dựng, cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp phê duyệt bao gồm: danh mục vị trí việc làm; cơ cấu chức danh nhà giáo; số lượng người làm việc; mô tả công việc và khung năng lực của các vị trí việc làm.

[...]